Tin mới

Chiến tranh biên giới 1979 chỉ có 11 dòng: "Không thể chờ sách mới"

Thứ ba, 23/02/2016, 15:37 (GMT+7)

Liên quan đến thông tin cuộc chiến tranh biên giới 1979 chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa hiện hành, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không thể chờ đến lúc có sách mới mới bổ sung mà cần có những hình thức khắc phục phù hợp.

Liên quan đến thông tin cuộc chiến tranh biên giới 1979 chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa hiện hành, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không thể chờ đến lúc có sách mới mới bổ sung mà cần có những hình thức khắc phục phù hợp.

Thông tin sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ dành 11 dòng viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 diễn ra trong 10 năm mà chỉ được viết vỏn vẹn 11 dòng trong sách giáo khoa lịch sử là không tương xứng, Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng cho biết, sẽ xem xét đưa vào sách giáo khoa sắp biên soạn với dung lượng phù hợp.

"Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà sử học, người dân. Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp", Vnexpress dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Trao đổi với phóng viên, nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, Bộ GD-ĐT nhìn thẳng vào những góp ý của dư luận là điều đáng ghi nhận. Từ lâu Hội Khoa học lịch sử cũng đã có những ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, việc bổ sung trong sách mới như thế nào, dung lượng ra sao là điều các nhà biên soạn phải rất thận trọng.

"Cơ quan chuyên trách phải tập hợp được những nhà nghiên cứu của những cơ quan có trách nhiệm để làm cho chỉnh chu. Các nhà biên soạn phải bàn bạc cụ thể, có sự chuẩn bị một nội dung thật chuẩn bởi cuộc chiến tranh biên giới 1979 là một sự kiện lịch sử lớn, trong chừng mực nào đó nó là bước ngoặt lịch sử", ông Quốc nói.

Chiến tranh biên giới 1979 chỉ có 11 dòng:

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ảnh: Trí thức trẻ

Bên cạnh đó, theo ông Quốc, không thể chờ đến khi có sách giáo khoa mới mới điều chỉnh mà cần làm ngay với những hình thức bổ sung phù hợp. Dù chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa cũ nhưng giảng dạy cho học sinh như thế nào là điều có thể làm ngay được. 

"Bây giờ cứ đặt vấn đề là sửa sách giáo khoa thì không biết bao giờ mới xong. Thời kỳ quá độ này nên có những hình thức tăng cường hơn nữa thời gian như: bổ sung những phụ lục hoặc có những hướng dẫn để giáo viên dạy cho đúng. Thận trọng không có nghĩa là kéo dài", ông Quốc nhấn mạnh. 

Đồng ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, ông Quốc cũng cho rằng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra trong 10 năm nhưng chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa là không tương xứng với sự kiện, với sự hy sinh của các chiến sĩ, đồng bào.

"Đừng e ngại, chính những bài học về chiến tranh sẽ giúp chúng ta phát triển hòa bình hữu nghị. Tại sao đối với cuộc chiến tranh của Pháp, chống Mỹ chúng ta giảng dạy rất đầy đủ mà chúng ta vẫn quan hệ tốt, vậy với Trung Quốc sao lại không thể?", ông Quốc nói. 

Ở góc độ là một giáo viên, Nhà giáo ưu tú Đào Ngọc Đình – giáo viên Sử trường THPT Chuyên Hưng Yên cũng cho rằng, mỗi sự kiện lịch sử, dù lớn dù nhỏ đều có tính giáo dục đối với các thế hệ sau, có ghi nhận thì máu xương chiến sĩ của ta ngã xuống mới không vô ích. Hiện, chúng ta đã xây dựng các nghĩa trang ghi tên các liệt sĩ ngã xuống ở chiến tranh biên giới phía Bắc, xây đài tưởng niệm, công nhận mẹ liệt sĩ…thì tại sao lại phải “né” đưa vào SGK?

Trước một số ý kiến băn khoăn nên nội dung và dung lượng sự kiện này nên đưa vào sách thế nào thì phù hợp, theo ông Đình, khi đưa vào SGK có thể đi từ cách phân tích bối cảnh những năm 80 của thế kỷ 20, mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc – Liên Xô như thế nào, từ đó dẫn ra nguyên nhân xảy ra sự kiện.

"Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể có bình luận và làm rõ việc diễn ra chiến tranh là do mâu thuẫn của một bộ phận người cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ chứ không phải mâu thuẫn với nhân dân Trung Quốc và Việt Nam. Như vậy thì sẽ không ảnh hưởng đến hòa khí giữa hai nước vẫn thể hiện được hào khí dân tộc mà học sinh, thế hệ sau lại hiểu và trân trọng lịch sử hơn”, ông Đình ví dụ. 

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news