Tin mới

Chính thức cho phép mang thai hộ: Thỏa mãn bao khát khao mong chờ

Thứ ba, 08/07/2014, 08:52 (GMT+7)

Luật ra đời như một cứu cánh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Thay vì phải làm chui thì sắp tới đây họ sẽ có thể đàng hoàng nhờ người khác mang thai hộ đứa con của mình.

Luật ra đời như một cứu cánh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Thay vì phải làm chui thì sắp tới đây họ sẽ có thể đàng hoàng nhờ người khác mang thai hộ đứa con của mình.

Chờ đợi luật có hiệu lực

Chị VH ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã có một đứa con 20 tuổi. Bây giờ điều kiện kinh tế khá giả, họ muốn có thêm con nhưng lại không thể. Giờ đây biết tin Luật Hôn nhân và Gia đình sẽ cho phép mang thai hộ, chị VH rất mừng. Mặc dù đã ở tuổi 45, nhưng vợ chồng chị VH vẫn muốn có thêm một đứa con gái. Chị VH cho biết, khi luật chính thức có hiệu lực, vợ chồng chị sẽ nhờ người mang thai hộ.

                                    

Niềm vui của các cặp vợ chồng hiếm muộn khi vấn đề mang thai hộ được luật hóa. Ảnh minh họa

Tương tự, vợ chồng chị Ninh ở Hòa Bình cũng bị hiếm muộn gần chục năm nay. Họ đã từng đi khắp nơi để chữa trị vô sinh, cả Tây y và Đông y nhưng mãi vẫn không có được mụn con nào. Họ đã nhận một đứa con nuôi giờ đây đã được 3 tuổi nhưng khao khát có được một đứa con đẻ vẫn không thôi trong họ. Trong quá trình đi chữa trị vô sinh, vợ chồng chị Ninh đã từng được giới thiệu đến một đường dây mang thai hộ và đẻ thuê chui ở TPHCM. Nếu cho tinh trùng trực tiếp sẽ mất 130 triệu đồng. Nếu làm theo kỹ thuật cấy phôi từ trứng và tinh trùng của vợ chồng họ vào người mang thai hộ sẽ là 140 triệu đồng. Tính tổng cộng các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng cho đến khi sinh và bàn giao đứa con… thì vợ chồng họ phải chi trả 400 triệu đồng. Do điều kiện kinh tế eo hẹp nên vợ chồng chị Ninh đành chấp nhận quay về nhà, chấp nhận cảnh không thể có con. Đã có lần chị Ninh nước mắt ngắn dài khuyên chồng gửi người phụ nữ khác một đứa con. Mặc dù mong muốn có đứa con nối dõi theo yêu cầu của gia đình dòng họ, nhưng vì thương vợ nên chồng chị Ninh không đồng ý theo lời khuyên của vợ. Nay nghe tin Luật Hôn nhân và Gia đình sẽ cho phép mang thai hộ, vợ chồng chị Ninh như người “chết đuối vớ được cọc”. Họ cho biết sẽ tìm người mang thai hộ ngay từ bây giờ, để đến khi luật chính thức có hiệu lực sẽ tiến hành thực hiện.

Tìm người mang thai hộ là khó nhất

Theo luật sư Nguyễn Chí Thanh (Văn phòng Luật sư Tâm Đức, Hà Nội), niềm vui là lẽ đương nhiên đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn khi vấn đề mang thai hộ được hợp pháp hóa. Từ đây họ sẽ không phải tốn tiền, chịu nhiều rủi ro khi tìm đến dịch vụ đẻ thuê và mang thai hộ chui. Tuy nhiên, việc quy định về điều kiện người mang thai hộ phải là họ hàng, người thân bên vợ hoặc chồng của người nhờ mang thai hộ vẫn tồn tại sự bất cập, khiến cho ý nghĩa nhân đạo của điều luật không được trọn vẹn.

Luật sư Nguyễn Chí Thanh cho rằng, điều luật này ra đời với ý nghĩa nhân đạo là nhằm mang đến cơ hội có con cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhưng quy định chỉ người thân mới được mang thai hộ khiến cho việc tìm người mang thai hộ trở nên khó khăn.

Chị ĐTY ở Thạch Thất, Hà Nội, một người đã từng có con nhờ dịch vụ mang thai hộ chui cho biết: Đối với vấn đề mang thai hộ thì việc tìm người mang thai hộ là khó nhất. Theo kinh nghiệm của chị ĐTY thì việc nhờ người thân hay họ hàng sẽ phát sinh rất nhiều rắc rối phức tạp. Sự phức tạp thường xảy ra sau khi sinh, sau khi đã giao con. Với người ngoài, giao con xong là xong, kết thúc hợp đồng, đường ai nấy đi. Nhưng với người thân trong gia đình thì lằng nhằng rất nhiều vấn đề như: Đứa trẻ sẽ thắc mắc: “Ai là mẹ? Mẹ ADN hay mẹ đẻ ra con?”. Mẹ này, mẹ nọ, ân nghĩa sinh thành… từ phía người lớn khiến cho đứa trẻ phải gánh chịu những o bế từ phía bố mẹ ADN và mẹ đẻ ra. Đôi khi vì mối quan hệ người thân giữa người nhờ mang thai hộ và người được mang thai hộ đã khiến cho vợ chồng người nhờ mang thai hộ phải nhẫn nhịn cả đời. Bởi vậy, hầu hết người mang thai hộ bao giờ cũng muốn tìm người mang thai hộ là người ngoài, khi họ cần tiền. Mối quan hệ đó chỉ nên tồn tại trên mối quan hệ công việc và trao đổi về tài chính thì mới tránh được những phức tạp nảy sinh sau khi kết thúc hợp đồng. 

“Điều mà những người hiếm muộn mong chờ là khi luật cho  phép là cho phép tồn tại dịch vụ đơn giản, có sự giúp đỡ tìm người mang thai hộ. Thế nhưng chiểu theo quy định hiện nay, người cần mang thai hộ vẫn phải tự tìm người mang thai hộ. Việc quy định người mang thai hộ là người thân chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Khi không muốn nhờ người thân họ hàng để tránh những vấn đề khó xử, phức tạp trong quan hệ thì cuối cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ không còn cách nào khác là phải tìm đến các đường dây, dịch vụ làm chui”, chị ĐTY nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news