“Không thể chấp nhận và cũng không ai chấp nhận có 1 nhà máy thu lãi để bức tử cả vùng biển rất đẹp, trù phú giàu có của chúng ta”, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn lên tiếng về phát ngôn của lãnh đạo Formosa.[mecloud]xxTxcqoqfm[/mecloud]
“Không thể chấp nhận được”
Tin tức cập nhật về việc Giám đốc đối ngoại của công ty Formosa Hà Tĩnh, ông Chu Xuân Phàm phát ngôn rằng cần phải lựa chọn “hoặc là tôm cá, hoặc là nhà máy thép” khi ngư dân phản ánh tôm cá khai thác quanh khu vực nhà máy không còn như trước kia vẫn đang “đốt nóng” dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định, khóa XIII, Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khá bức xúc.
ĐB Nguyễn Anh Sơn cho rằng, cách nói chọn tôm cá hoặc nhà máy thép của Giám đốc đối ngoại Formosa là ngang ngược, không thể chấp nhận được. Ảnh Xuân Hải. |
ĐB Nguyễn Anh Sơn thẳng thắn nói ngay: “Cách nói như vậy là rất ngang ngược, không thể nào chấp nhận được.
Môi trường sinh thái tự nhiên của con người, không thể chấp nhận và cũng không ai chấp nhận có một nhà máy thu lãi để bức tử cả vùng biển rất đẹp, trù phú, giàu có của chúng ta”.
Lý giải những bức xúc của mình, ĐB Nguyễn Anh Sơn phân tích: “Đương nhiên, vì là một khu cảng, có nhà máy nên người dân không thể vào đánh bắt một cách thoải mái, tự nhiên như ngày xưa thì tôi có thể chấp nhận. Nhưng bức tử cả một vùng biển như thế là hoàn toàn không được”.
Ai kiểm soát xả thải?
“Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có điều tra, xem xét làm rõ việc cá chết như thời gian qua có phải do tác động từ xả thải hay không" - ĐB Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
"Đồng ý là về mặt quy trình kỹ thuật, những chất thải thải ra biển phải đúng quy trình, đảm bảo xử lý an toàn cho vùng biển mới được xả ra. Trước khi xây dựng nhà máy, cơ quan chức năng cũng phải có báo cáo đánh giá về mặt tác động môi trường rõ ràng.
Nhưng vấn đề then chốt nằm ở chỗ, chúng ta có thể kiểm soát được việc xả thải hay không. Xả thải có đúng loại nước đã được xử lý đảm bảo an toàn cho môi trường hay không? Hay là những chất độc hại vẫn còn chảy thẳng ra biển?
Tôi hy vọng các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực để làm rõ, kiểm soát tình trạng này.
Nguyên tắc rõ ràng nhưng trên thực tế, giả dụ như phía công ty làm bậy thì chúng ta có kiểm soát được không?”, ĐB Nguyễn Anh Sơn liên tục có những thắc mắc, nghi ngại.
Tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung khiến người dân hoang mang. |
Việt Nam không đánh đổi
Đưa quan điểm về sự đánh đổi, ĐB Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh: “Việt Nam mời doanh nghiệp nước khác vào đầu tư trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng chúng ta không đánh đổi môi trường sống của đất nước này chỉ để lấy những đồng tiền.
Nếu phát hiện vi phạm trong vụ việc này thì dứt khoát phải xử lý tới cùng, xử nghiêm chứ không phải nói một cách ngang ngược.
Lợi nhuận từ nhà máy thép dù có nhiều đến đâu thì cũng không đủ để bù vào những thiệt hại và chúng ta cũng không bao giờ đánh đổi.
Vùng biển miền Trung rất đẹp, giàu có, trù phú, nhiều nguồn lợi về thủy sản. Nếu có bất cứ sự đánh đổi nào thì cũng không có lãi suất nào có thể bù lại được.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng tìm hiểu khẩn trương và tiến tới kết luận một cách chính xác vụ việc ồn ào dư luận thời gian qua”.
“Qua câu chuyện về cá chết ở miền Trung, chúng ta một lần nữa thấy được những lỗ hổng trong quản lý nhà nước hiện nay.
Chúng ta cũng đã căn cứ những quy định của pháp luật để cấp phép này, cấp phép kia. Nhưng công tác kiểm tra kiểm soát, thực hiện những quy định của pháp luật để đảm bảo môi trường thì dường như là chúng ta chưa triệt để, chưa đảm bảo chặt chẽ để không để xảy ra vi phạm.
Đây là một bài học mà nếu chúng ta không rút kinh nghiệm nghiêm túc sẽ phải chịu những thiệt hại nặng nề hơn nữa”, ĐB Nguyễn Anh Sơn đưa quan điểm.
Để những lỗ hổng quản lý không ngày một nới thêm, ĐB Nguyễn Anh Sơn cho rằng: “Trước hết, các cơ quan phải làm hết trách nhiệm của mình. Trong quy định cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm về việc cấp phép của mình.
Không phải cứ cấp phép xong rồi để mặc đơn vị đó muốn làm gì thì làm.
Tôi cho rằng tới đây, nếu kết luận mà có việc Formosa làm sai, làm không đúng các quy định đã được cấp phép thì lại phải kiểm tra lại trách nhiệm của cơ quan cấp phép.
Hiện nay vẫn có tình trạng cha chung không ai khóc. Đến quyền lợi của mình thì tìm cách vận dụng nhưng đến phần trách nhiệm thì kiểu gì cũng đá sang người khác, không đá sang người khác được thì sẽ là trách nhiệm chung.
"Thành tích của tôi, khuyết điểm là của chúng ta”, đấy là điều khá phổ biến trong hệ thống của chúng ta hiện nay.
Do đó, cần phải có những sự thống nhất, có cơ quan chủ trì, người chủ trì, kiểm soát việc làm của các bộ ngành khác liên quan đến một vấn đề để quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận. Quyền là phải đi liền với trách nhiệm chứ không phải quyền để gây phương hại đến lợi ích chung là không thể chấp nhận được”.
Dương Thu (thực hiện)