Để tiết kiệm tiền chữa trị cho vợ, kể từ khi ra Hà Nội, mỗi bữa anh Thưởng chỉ dám mua hai chiếc bánh mỳ, khát nước thì đi xin mọi người trong viện. Anh vẫn cố ăn, cố uống cho thật nhiều để mình không bị kiệt sức, bởi anh biết vào lúc này chị Đanh đang cần anh hơn bao giờ hết.
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, liên quan đến việc chị Cụt Thị Đanh (22 tuổi, trú xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), người mẹ trẻ bị bỏng toàn thân vì lao vào biển lửa cứu con khiến mọi người ai ai cũng xót xa thương cảm. Ngày 24/4, chị Đanh đã được bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và gia đình chuyển tới Viện bỏng Quốc gia để tiếp tục điều trị.
Chiều 25/4, PV báo Đời sống & Pháp luật đã tới Viện bỏng quốc gia thăm hỏi tình trạng sức khỏe của chị Cụt Thị Đanh.
Qua khung cửa kính phòng điều trị cách ly dành cho những bệnh nhân bỏng nặng, anh Cụt Văn Thưởng (27 tuổi, vợ chị Cụt Thị Đanh) hướng ánh nhìn tiều tụy về nơi giường bệnh của chị Đanh, những ngày qua thực sự là nỗi ác mộng xảy ra với tổ ấm bé nhỏ của anh chị.
Chị Đanh được chuyển ra Hà Nội điều trị. (ảnh báo Nghệ An). |
“Vợ tôi được chuyển ra ngoài Hà Nội điều trị vào lúc 15h chiều hôm qua (ngày 24/4), các bác sỹ viện bỏng Quốc gia cho biết, em Đanh bị bỏng sâu hơn 80% cơ thể và sức khỏe đang rất yếu, tiên lương là vô cùng nguy kịch”.
Nhớ lại tai nạn kinh hoàng ập đến với gia đình mình, anh Thưởng đau đớn cho hay: “Vào khoảng 17h chiều 21/4, lúc đó tôi đang đi làm rãy, ở nhà có vợ cùng hai con nhỏ là Kim D. (5 tuổi) và bé Nhẫn Nh. (2 tuổi). Vợ tôi ở dưới bếp chuẩn bị cho bữa tối, hai cháu nhỏ trên nhà do nghịch bật lửa khiến lửa bén vào 2 can xăng góc nhà (nhà anh Thưởng bán lẻ xăng) gây hỏa hoạn. Lúc đó hai con của tôi đã kịp chạy ra ngoài”.
“Phát hiện lửa bùng cháy dữ dội, em Đanh chạy vội chạy ra ngoài hô hoán người dân đến cứu. Sau đó, nghĩ hai con đang mắc kẹt bên trong nên vội quay trở lại lao vào đám lửa cứu. Ngọn lửa đã bén vào quần áo Đanh, 2 người chị họ phát hiện sự việc lao vào cứu em cũng bị lửa thiêu.”
Chị Đanh được chuyển đi bệnh viện tỉnh trong tình trạng hôn mê sâu, toàn thân bỏng nặng hơn 70%, riêng vùng mặt, cổ, lưng và cẳng chân bỏng trên 80%, phải thở máy.
Giỏ từng giọt nước mắt đau đớn, anh Thưởng chia sẻ với chúng tôi: “Từ ngày Đanh gặp nạn, lúc nào tôi cũng ngồi bên mong đút được một thìa cháo cho em, nhưng em không thể ăn được, những lúc ấy ba bố con chỉ còn biết ôm nhau khóc”.
Có đêm ngồi thức trông vợ, anh Thưởng tôi thủ thỉ vào tai chị Đanh câu nói: “Vợ ơi, em tỉnh dậy đi, em đừng bỏ bố con anh mà ra đi vào lúc này, đừng bắt anh phải chịu đựng nỗi đau như vậy”. Nhưng câu trả lời của chị vẫn chỉ là sự im lặng đền lạnh người.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, anh Thưởng cho biết, chị Đanh lấy anh từ năm 16 tuổi, hai vợ chồng làm quần quật nhưng cũng chẳng đủ ăn. Khi tại nạn ập lên đầu người mẹ trẻ cũng là lúc bao nhiêu của cải, vốn liếng của gia đình bị thiêu rụi theo ngôi nhà gỗ lụp xụp.
“Hôm đưa Đanh đi viện, quay cóp cả nhà chỉ có vẻn vẹn 300.000 đồng, tôi chỉ còn biết cắn răng cắn cỏ đội ơn các bác sỹ viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vì đã cứu giúp cho vợ mình. Hôm ra ngoài Hà Nội, tôi cố gắng vay mượn bà con họ hàng, bạn bè thân thích được 2 triệu, nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu”.
Để tiết kiệm tiền chữa trị cho vợ, kể từ khi ra Hà Nội, mỗi bữa anh Thưởng chỉ dám mua hai chiếc bánh mỳ, khát nước thì đi xin mọi người trong viện, tối anh được viện bỏng Quốc gia bố trí nghỉ ngơi trong viện. Anh Thưởng cố ăn, cố uống cho thật nhiều để mình không bị kiệt sức, bởi anh biết vào lúc này chị Đanh đang cần anh hơn bao giờ hết.
“Nhờ các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, tôi đã đóng được một khoản viện phí để chữa trị bệnh cho em đanh. Thời gian tới, số tiền chữa trị sẽ lớn hơn rất nhiều, nhưng dù có phải bán cả nhà, cả cửa để chữa trị cho vợ tôi cũng sẽ sẵn sàng”.
Theo Xuân Tùng/Đời sống & Pháp luật