Theo tin tức từ Vnexpress, Tri thức trực tuyến, chiều 17/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tới thăm bệnh nhân 91 nhiễm Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Chính quyền TP.HCM dành nhiều lời khen cho những nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ để dành lại hy vọng cho bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị lâu nhất cả nước.
"Với tư cách lãnh đạo chính quyền thành phố, bằng cả tấm lòng, tôi xin bày tỏ sự cảm phục đối với đội ngũ y bác sĩ cả nước nói chung và đội ngũ y bác sĩ trên địa bàn TP.HCM thời gian qua. Mỗi người đều là một chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tới thăm bệnh nhân số 91. Ảnh: BV Chợ Rẫy.
Nhắc lại cuộc chiến với Covid-19, ông Phong cho biết, đã từng có lúc lãnh đạo thành phố lo không kiểm soát được ca F0 trong cộng đồng, gây ra sự gãy đổ, lan rộng dịch bệnh toàn xã hội. Sau sự cố dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), TP HCM đã ý thức và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bài học rút ra là phải luôn bình tĩnh, đề ra những biện pháp hiệu quả và không chủ quan.
Ông Phong cho rằng, hơn 60 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị, trong đó đi đầu là ngành y tế. Nhưng thắng lợi này mới chỉ là bước đầu, không được chủ quan. TP HCM sẽ vừa giữ thành quả chống Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khi bệnh nhân 91 chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM sang bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng của bệnh nhân chuyển nặng, 4 bác sĩ của khoa hồi sức cấp cứu phải túc trực toàn thời gian để ứng trực khi có sự cố phát sinh.
Tại thời điểm trên, bệnh nhân 91 phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, ECMO, cùng hệ thống lọc máu. Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.
Trong suốt quá trình điều trị, nhiều nhóm chuyên môn gồm các y, bác sĩ đầu ngành, trưởng khoa các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, được thành lập và hội chẩn. Các bác sĩ đầu ngành cả nước đã tìm mọi nguồn lực, phương án tốt nhất để giúp bệnh nhân nâng cao chỉ số sinh tồn.
Tới hiện tại, bệnh nhân đã có thể tự thở với liều lượng oxy hỗ trợ giảm dần còn 1,5 l/phút (những ngày trước đó 3 l/phút, sau đó giảm xuống 2 l/phút). Nam phi công người Anh cũng tỉnh táo, giao tiếp tốt và bày tỏ cảm xúc với đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc.