Tin mới

Chưa đỗ ông Nghè, sao có quyền đe "tôi là ông Nghè"?

Thứ năm, 28/05/2015, 09:50 (GMT+7)

Việc mạo nhận học vị tiến sỹ của một giảng viên trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao. Nên chăng chúng ta cần sống 'tử tế' hơn?

Việc mạo nhận học vị tiến sỹ của một giảng viên trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao. Nên chăng chúng ta cần sống 'tử tế' hơn?

Phải chăng chúng ta nên bắt đầu sống tử tế bằng việc nói KHÔNG với những điều nhập nhèm, gian dối? 

Gần đây cộng đồng đang xôn xao việc mạo nhận học vị tiến sỹ của ông N.H.M, giảng viên trường đại học Ngoại thương Hà Nội, một trong những trường được coi là có chất lượng đào tạo tốt ở Việt Nam. Ông này được cử đi đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Marketing tại Đại học Paris 1, Cộng hòa Pháp theo chương trình học bổng của Chính phủ năm 2002. Năm 2008 ông N.H.M về nước làm thủ tục tiếp nhận công tác tại trường Đại học Ngoại Thương (ĐHNT) và đã khai với cơ quan chủ quản mình là tiến sỹ mặc dù chưa bảo vệ luận án tiến sỹ và chưa được cấp bằng tiến sỹ. Khi vụ việc bị đưa ra công luận, ông N.H.M luôn phủ nhận việc tự nhận mình là TS.

Chưa đỗ ông Nghè, sao có quyền đe
 

Ngoài ra ông N.H.M cũng không đưa ra lời giải thích nào với những sinh viên đã tốt nghiệp mà ông ta trót ghi vào luận văn tốt nghiệp của họ là tiến sỹ trong suốt 7 năm qua. 

Bất luận vụ phanh phui này vì động cơ gì thì việc ông N.H.M đã gian lận bằng cấp, đã khai gian với Bộ Giáo dục và Đào tạo và trường ĐHNT là rõ ràng và dù người trong cuộc có nói gì, cũng không thể bao biện cho hành vi không liêm chính của mình.

Để bảo vệ ông N.H.M, một nhóm được cho là sinh viên trường ĐHNT thậm chí đã lập ra một fanpage trên Facebook và tung hô ông này một cách vô cùng cuồng nhiệt. Một người bạn tôi đã mô tả những gì họ viết trên trang fanpage “như một cơn lên đồng tập thể”. Những người đó cho rằng ông này giỏi, nhiệt tình, tâm huyết, chính trực và nhiều giáo sư tiến sỹ khác liệu chuyên môn có giỏi hơn ông này… Họ không quan tâm đến bản chất của sự việc là ông N.H.M đã gian dối mà chỉ cố gắng tìm động cơ vì sao việc không có bằng của ông này bị phanh phui. Nhiều người đã từng quen biết ông này thì cho rằng người đã có thành tích trong học tập thì việc có bằng tiến sỹ hay không, không phải là vấn đề quan trọng. 

Đa số những người bảo vệ ông này bỏ qua vấn đề lớn nhất là sự trung thực, minh bạch và đạo đức nghề nghiệp mà bất kỳ người giảng viên nào cũng cần đặt lên hàng đầu. 

Người Việt có câu “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” có lẽ bởi vậy nên các vấn đề trong xã hội thường được lý giải và xử lý theo hướng “tình” nhiều hơn “lý” dẫn đến những suy nghĩ, ứng xử nhiều khi lệch chuẩn. Trong vụ việc này những người cuồng nhiệt bảo vệ ông NHM cho rằng chỉ cần tâm huyết, được nhiều sinh viên quý là đủ mà quên rằng những điều đó không hề liên quan đến việc gian dối mạo nhận mình là tiến sỹ khi chưa phải là tiến sỹ. 

Cũng có một số người không ủng hộ, không lên án ông N.H.M thì lại có thái đội hết sức xuê xoa, họ cho rằng những ai đòi hỏi sự trong sạch trong môi trường giáo dục Việt Nam thì hoặc là họ đang sống ở các nước tiên tiến, hoặc là bị hoang tưởng. Nói vậy thì không lẽ người Việt chúng ta không xứng đáng được hưởng một nền giáo dục trong sạch ư? Tôi không tin như thế. 

Thiết nghĩ môi trường giáo dục càng cần phải trong sạch, những người thầy lại càng phải tử tế để tạo niềm tin cho trò, là tấm giương cho họ sống tử tế. Nếu chúng ta cứ bao che hay coi nhẹ những việc dối trá này sẽ dẫn đến tình trạng bao dung cho những việc gian dối khác lớn hơn, dẫn đến xã hội lẫn lộn trắng đen thật giả, môi trường giáo dục sẽ trở nên ô nhiễm. 

Trong một lần nói chuyện về SỐNG TỬ TẾ có một người bạn của tôi đã nói đại ý như thế này: “Chúng ta có thể sống trong một môi trường bẩn, ăn chuỗi thức ăn bẩn nhưng chúng ta ai cũng khao khát được sống tử tế”. 

Vâng, có lẽ thế, phải chăng chúng ta nên bắt đầu sống tử tế bằng việc nói không với những điều nhập nhèm gian dối và coi đó là sự KHÔNG TỬ TẾ?

 Vũ Anh Đào

(Đại học Victoria, New Zealand)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: mạo nhận ông Nghè