Tin mới

“Chúng tôi sẽ không bán Cốc Cốc dưới 1 tỷ USD”

Thứ ba, 30/06/2015, 09:39 (GMT+7)

Khi nhận được câu hỏi về giá trị của Cốc Cốc hiện tại, một đại diện của Cốc Cốc cho biết: “Chúng tôi sẽ không bán Cốc Cốc dưới 1 tỷ USD”

Khi nhận được câu hỏi về giá trị của Cốc Cốc hiện tại, một đại diện của Cốc Cốc cho biết: “Chúng tôi sẽ không bán Cốc Cốc dưới 1 tỷ USD”

Năm 2014, Cốc Cốc – một start up mới ra mắt thị trường gần 2 năm - đã gây bất ngờ khi vượt qua tên tuổi lớn Facebook  để sở hữu lượng người dùng hàng ngày lớn thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau Google (theo Comscore).

PV Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện với anh Lê Văn Thanh - đồng sáng lập Cốc Cốc – người góp phần tạo nên công ty công nghệ có giá “không dưới 1 tỷ USD”.

Không có tham vọng vượt qua Google

Anh có thể cho biết, Cốc Cốc đã ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?

Trong thời gian học tập tại Nga, đặc biệt vào những năm học cuối, chúng tôi (Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Ngọc – 3 người đồng sáng lập Cốc Cốc – PV) luôn suy nghĩ tới việc sẽ về VN phát triển 1 dự án CNTT. Tuy nhiên ý tưởng ban đầu về sản phẩm vẫn chưa được định hình cụ thể mà bị thay đổi 1 vài lần.

Đầu năm 2008, sau 1 thời gian làm việc tại công ty tìm kiếm Nigma.ru, chúng tôi nhận thấy rằng, việc phát triển máy tìm kiếm ở VN tuy có vẻ mơ mộng nhưng khá khả thi. Sau đó, chúng tôi đã tự phát triển 1 số tính năng xử lý tiếng Việt đầu tiên và trình bày ý tưởng với Victor Lavrenco, là CEO của nigma lúc đó và cũng là CEO của Cốc Cốc hiện nay. Ý tưởng đã được anh ủng hộ và sau đó chính thức hỗ trợ chúng tôi một nguồn vốn cơ bản đầu tiên để thực hiện dự án.

Anh Lê Văn Thanh - Đồng sáng lập viên Cốc Cốc

Trong quá trình hoạt động và phát triển, các anh đã gặp phải những khó khăn nào? Khó khăn nào là lớn nhất và các anh đã khắc phục ra sao?

Khó khăn đầu tiên có thể kể tới là sự tin tưởng, ủng hộ từ bạn bè, người thân trong những ngày đầu tiên.

Lúc đó, trước mắt chúng tôi có nhiều lựa chọn tốt hơn rất nhiều như đi học tiếp ở nước ngoài và làm việc cho các công ty công nghệ lớn. Việc về VN để mở 1 công ty với chỉ có 3 người làm dường như không phải là 1 lựa chọn tốt và bền vững trong đánh giá của mọi người. Đặc biệt là khi có rất nhiều công ty Việt Nam từng làm về máy tìm kiếm và đã thất bại trước đó.

Khó khăn tiếp theo là về nhân sự. Một công ty quá nhỏ, không tên tuổi, thật khó để tiếp cận tới các kĩ sư xuất sắc. Khó khăn nữa là sự đón nhận của người dùng với sản phẩm của mình, đặc biệt khi thị trường đã bị chiếm lĩnh bởi không chỉ 1 mà là 3 công ty nước ngoài lớn...

Còn nhiều khó khăn khác mà hầu hết các startup đều gặp phải. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có suy nghĩ lạc quan tích cực trước khó khăn, coi đó là điều tất yếu của mỗi doanh nghiệp, và cố gắng thực hiện các giải pháp để giải quyết vấn đề. Cố gắng khai thác, mở rộng, tận dụng các mối quan hệ bạn bè của mình. Các mối quan hệ tốt, thật sự giúp chúng ta rất nhiều trong các thời điểm khó khăn.

Biểu tượng tìm kiếm quen thuộc của Cốc Cốc

Có thời điểm giới truyền thông “đồn ầm” lên là các anh “tuyên chiến” với Google. Thực hự câu chuyện này là như thế nào?

Chúng tôi chưa bao giờ tuyên chiến với Google, cái này là do mọi người làm quá vấn đề lên thôi.

Còn về các ý kiến của dư luận thì đó cũng là điều hoàn toàn bình thường. Được cộng đồng quan tâm, ủng hộ hay không ủng hộ đều là những phản ứng tích cực cho 1 sản phẩm mới ra đời. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp thu học hỏi từ phản hồi của người dùng.

Như vậy có thể hiểu các anh không theo đuổi mục tiêu vượt qua Google như Baidu của Trung Quốc?

Đúng như vậy. Mục tiêu của Cốc Cốc là mang tới các sản phẩm hữu ích cho người dùng Việt Nam. Và chúng tôi vẫn đang làm tốt công việc của mình. Chúng tôi đã và đang tạo được những sự khác biệt với các sản phẩm của Google.

Nhưng không lẽ, Cốc Cốc không có tham vọng đạt kỳ tích như Yandex và Baidu lập được tại Nga và Trung Quốc?

Tôi cho rằng việc vượt qua Google ở mảng tìm kiếm là tương đối khó khăn. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sự nỗ lực từ đội ngũ phát triển Cốc Cốc, thái độ đón nhận của người dùng, chiến lược phát triển lâu dài của mỗi bên,…

Dựa trên quá trình nghiên cứu và đánh giá kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy các máy tìm kiếm hiện nay bao gồm cả GG, yahoo và Bing đều chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm kiếm của người dùng VN. Và mục tiêu của chúng tôi là cố gắng đem đến cho người dùng một công cụ tìm kiếm thông minh và hiệu quả nhất chứ không phải cạnh tranh với Google để trở thành máy tìm kiếm số 1 VN.

[mecloud]wjySPqaplR[/mecloud]

Anh và những người bạn đang có những tham vọng gì với Cốc Cốc?

Chúng tôi kì vọng, Doanh thu của công ty sẽ bứt phá mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Sẽ rất tốt nếu Cốc Cốc đạt được mức độ phát triển như máy tìm kiếm Baidu của TQ. Và chúng ta đều biết, Baidu khi tiến hành IPO, giá trị của họ đã vượt 1 tỉ USD.

Yếu tố nào, theo cá nhân anh, quyết định phần lớn thành công của Cốc Cốc ngày hôm nay?

Sự tự tin, niềm đam mê và ý nghĩa của dự án. Ngay từ ban đầu, khi có ý tưởng phát triển máy tìm kiếm tiếng Việt, tôi đã rất tin vào khả năng thành công của dự án. Mình tự tin vì mình nhìn thấy hướng đi và cơ hội có thể tạo ra 1 máy tìm kiếm tiếng Việt với chất lượng không thua kém các máy tìm kiếm nước ngoài.

Kinh nghiệm từ số vốn khủng 40 triệu USD của đại gia ngoại

Số vốn đầu tư hơn 40 triệu đô la từ nước ngoài là mơ ước của bất cứ starup nào? Theo anh những yếu tố nào của Cốc Cốc đã thuyết phục được các “đại gia” nước ngoài đổ hàng triệu đô vào công ty của anh?

Cốc Cốc đã có bước phát triển mạnh mẽ sau nhiều năm khởi nghiệp thành công

Có 4 yếu tố chúng tôi có thể nhắc tới. Đó là sản phẩm hiện tại tốt, lượng người dùng tốt, đội ngũ kĩ thuật tốt, nền tảng công nghệ tốt. Và 1 yếu tố nữa không thể bỏ qua, đó là tiềm năng của thị trường Internet Việt nam tương đối hứa hẹn.

Nhận được số vốn “khủng”, các anh đã phát triển mạnh mẽ hơn, vậy lý do gì các anh từng khuyên các start up không nên nhận vốn đầu tư quá sớm khi khởi nghiệp?

Nhận đầu tư giúp bạn có thêm nguồn tiền để mở rộng phát triển sản phẩm, nâng cấp chất lượng và số lượng nhân sự, mở rộng kinh doanh.... Nhưng bạn có thể sẽ chịu sự can thiệp của nhà đầu tư. Điều này cũng có mặt tốt và mặt không tốt – tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi công ty.

Các startup, đặc biệt là các startup công nghệ, thường thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính. Có thời điểm chúng ta quá tiết kiệm, và có thời điểm chúng ta lại quá phung phí. Nhà đầu tư có thể giúp chúng ta quản lý nguồn tài chính hiệu quả hơn. Bạn có thể lên kế hoạch, liên lạc với nhà đầu tư từ trước đó rất lâu. Nhưng thời điểm nhận đầu tư cần tính toán kĩ càng.

Điểm lợi nhất mà Cốc Cốc có được  từ các nhà đầu tư là gì? Nhà đầu tư có can thiệp vào quá trình hoạt động của các anh?

May mắn cho chúng tôi là Cốc Cốc thu hút nhà đầu tư chính vì những điều Cốc Cốc đã và đang xây dựng được. Từ con người, sản phẩm, công nghệ, quy trình làm việc, đến đối tượng người dùng.

Và cũng may mắn là nhà đầu tư hoàn toàn không muốn can thiệp vào công việc chúng tôi bởi công ty đang đi đúng hướng.  Có chăng chỉ là hỗ trợ chúng tôi trong việc chiêu mộ các chuyên gia công nghệ hàng đầu về làm việc, hay đưa ra những sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh doanh, thúc đẩy doanh thu cho công ty.

Các anh có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm với các startup Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư/công ty nước ngoài?

Hãy cố gắng giành toàn bộ niềm đam mê và thời gian của bạn vào sản phẩm. Bạn vừa phải tạo ra 1 sản phẩm tốt, vừa phải nhanh chóng ra mắt sản phẩm.

Sản phẩm đầu tiên có thể không hoàn thiện, nhưng cần thể hiện được sự khác biệt, sự thú vị, và tiềm năng thu hút người sử dụng.

Các nhà đầu tư, về cơ bản, đều rất muốn tìm được các dự án hứa hẹn để đầu tư, vì đó là công việc của họ. Liên lạc với các nhà đầu tư không khó, vì bạn cần họ, và họ cũng cần những người như bạn. Vấn đề là khi có được 1 cuộc gặp, bạn phải thể hiện được những điều tốt đẹp của dự án của bạn. 1 sản phẩm cụ thể, 1 lượng người dùng nhất định giúp bạn có cơ hội lớn hơn khi thu hút nhà đầu tư.

Cuối cùng, anh có lời khuyên nào cho các start up trong thời gian đầu khởi nghiệp?

Nếu bạn có kinh nghiệm hoặc kiến thức đủ tốt để biến ý tưởng của bạn thành hiện thực, nếu bạn có đủ nhiệt huyết, động lực và đam mê đối với dự án khởi nghiệp, nếu bạn đã cân nhắc đủ kĩ càng và cẩn thận, khởi nghiệp là 1 cơ hội rất tốt.

Nếu thành công bạn sẽ được rất nhiều, nếu không thành công bạn cũng đã tự nâng giá trị của bản thân lên 1 tầm vóc mới về kiến thức, về kinh nghiệm, về quản lý, ...

Khi bắt đầu khởi nghiệp chúng ta cũng phải xác định rõ ràng rằng trên thực tế chỉ có rất ít các khởi nghiệp tồn tại và phát triển thành các công ty có sản phẩm, người dùng và tự đứng vững bằng sản phẩm của mình. Tức là khả năng thất bại là rất rất lớn.

Thị trường Internet Việt nam hiện nay là thị  trường giàu tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội thành công cho các khởi nghiệp CNTT. Số lượng người dùng Internet ngày càng tăng, thị trường thiếu nhiều sản phẩm cần thiết. Chúng ta có thể quan sát các thị trường phát triển hơn để thấy rằng giá trị kinh doanh của thị trường Internet Việt nam vẫn còn nhỏ, và hứa hẹn sẽ tăng đáng kể theo từng năm.  Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang xuất hiện ngày một nhiều ở VN với các sản phẩm dẫn đầu thị trường dù họ gia nhập muộn hơn so với các doanh nghiệp Việt.

Giang Giang (Thực hiện)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news