Tin mới

Chuyến bay cuối cùng và sự hy sinh của những chiến sỹ không quân

Thứ bảy, 31/01/2015, 16:34 (GMT+7)

Cả 4 chiến sỹ đều hy sinh trong chuyến bay huấn luyện của Trung đoàn không quân 917 sáng 28/1. Thi thể các nạn nhân được đưa về nhà tang lễ bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong tâm trạng đau đớn tột cùng của người thân. Hàng trăm chiến sỹ thuộc các lực lượng đã tham gia công tác tìm kiếm mảnh vỡ chiếc trực thăng quân sự UH1 không còn nguyên vẹn.

Cả 4 chiến sỹ đều hy sinh trong chuyến bay huấn luyện của Trung đoàn không quân 917 sáng 28/1. Thi thể các nạn nhân được đưa về nhà tang lễ bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong tâm trạng đau đớn tột cùng của người thân. Hàng trăm chiến sỹ thuộc các lực lượng đã tham gia công tác tìm kiếm mảnh vỡ chiếc trực thăng quân sự UH1 không còn nguyên vẹn.

Chuyến bay cuối cùng và sự hy sinh của những chiến sỹ không quân - Ảnh 1

Phần đuôi trực thăng còn nguyên vẹn tại hiện trường.

Hiện trường trong rừng tràm

Sáng 28/1, sau khi nhận được tin báo của người dân xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP.HCM), PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mặt tại hiện trường vụ rơi trực thăng quân sự UH1 để ghi nhận thông tin.

Trao đổi với PV, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, chuyến bay huấn luyện UH1 cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đã mất liên lạc vào lúc 7h30 sáng cùng ngày. Chuyến bay được xác định gồm 4 chiến sỹ của Trung đoàn 917, Sư đoàn không quân 370, quân chủng Phòng không không quân, gồm: Thượng tá Trần Văn Đức, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 917, là phi công giảng viên; Thượng tá Đỗ Văn Chính, sỹ quan cơ giới; Trung úy Nguyễn Việt Cường, phi công phụ (lái chính trong chuyến bay); Thiếu tá Lê Hồng Quân, lái phụ dẫn đường.

Cũng chia sẻ với PV, Đại tá Lê Văn Hạnh, Chính ủy Sư đoàn không quân 370, bộ Quốc phòng cho biết, khoảng 7h30 sáng cùng ngày, mọi dấu hiệu liên lạc với UH1 bị mất nên nghi ngờ xảy ra sự cố hoặc hỏng hóc. Cũng có thể vì an toàn cho người dân mà các chiến sỹ trên chuyến bay đã cho máy bay rơi vào khu rừng tràm thuộc xã Phạm Văn Hai. Nhận được thông tin trên, Sư đoàn không quân 370 đã cho máy bay đi tìm kiếm. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, rừng cây rậm rạp nên phải mất 2 giờ 30 phút kể từ khi máy bay mất tín hiệu, đơn vị này mới phát hiện ra vị trí máy bay rơi thuộc khóm 6, ấp 4, xã Phạm Văn Hai. Vụ rơi máy bay không ảnh hưởng tới dân cư, tuy nhiên cả 4 chiến sỹ trên chuyến bay đều đã hy sinh.

Theo tìm hiểu của PV, máy bay UH1 được hãng Bell chế tạo. UH1 có chiều dài 17,4m, cao 4,39m, trọng lượng rỗng 2.365kg, có tải trọng 4.100kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 4.309kg. Khi đạt vận tốc tối đa, máy bay có thể bay với vận tốc 217km/h với sức chứa 14 người, tầm bay chuyển sân 507km và trần bay là 5.910m.

Thời điểm máy bay gặp sự cố và rơi tự do trong rừng tràm thuộc xã Phạm Văn Hai, nhiều người dân có nghe tiếng nổ rất lớn. Thông tin với PV, một người đàn ông làm công nhân ở nhà máy gần hiện trường máy bay rơi cho biết: "Chiếc máy bay lảo đảo và gần như chúi mũi xuống đất. Tại hiện trường, chiếc máy bay gần như cháy hoàn toàn, chỉ còn lại đuôi máy bay, nạn nhân trên chuyến bay khi ấy đều đã tử vong”.

Sau khi máy bay UH1 rơi tại khu vực trên, hàng ngàn người đã kéo đến khu vực hiện trường để theo dõi vụ việc. Đến 19h15' cùng ngày, công tác thu gom xác máy bay đã hoàn tất. Đây được xem là vụ rơi máy bay trực thăng quân sự thảm khốc thứ hai sau tai họa máy bay trực thăng Mi171 ngày 7/7/2014, đều gây thiệt hại nặng nề.

Chuyến bay cuối cùng và sự hy sinh của những chiến sỹ không quân - Ảnh 2

Những mảnh vụn của chiếc trực thăng được đưa ra ngoài.

Tránh xa khu dân cư đảm bảo an toàn cho dân

Sau khi thi thể của 4 cán bộ sỹ quan tử nạn được đưa về nhà đại thể bệnh viện Quân y 175, tối 28/1, PV đã tìm đến hẻm số 27 Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM), nơi cógia đình hai nạn nhân trong vụ rơi máy bay là Thượng tá Đỗ Văn Chính và Thượng tá Trần Văn Đức.

Lúc này đây, tất cả những người dân của khu phố, cũng là đồng đội của các nạn nhân đều đến chia buồn cùng gia đình. Trước sự hy sinh của đồng đội, ông Lê Tuấn (một phi công chuyên nghiệp đã nghỉ hưu) cho biết: "Gia đình anh Chính cùng các cán bộ chiến sỹ chuyển đến đây sinh sống vào năm 1987. Cả khu phố đều là dân không quân nên ai cũng biết nhau. Bản thân tôi cũng là một phi công nên tôi biết, trước khi cất cánh, máy bay phải được kiểm tra hết sức kỹ càng. Tuy nhiên, vẫn còn sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Máy móc cũng như con người vậy, chúng ta không thể kiểm soát kịp thời được. Khi sự cố xảy ra, chúng tôi chỉ nghĩ đến hai điều là vừa kiểm tra lại máy móc, vừa liên lạc duy trì đường bay, tránh các khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân. Chính vì thế, đây là sự hy sinh cực kỳ to lớn của các chiến sỹ...".

Theo tìm hiểu của PV, vợ chồng Thượng tá Chính có hai người con, một trai, một gái. Người con trai thứ hai vừa tốt nghiệp trung học, đang ôn thi vào Học viện Phòng không - Không quân. Người con gái đầu mới lập gia đình và vừa có con. Chị Hồ Thị Bích Thủy (SN 1963, vợ anh Chính) hiện đang công tác tại bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) nghẹn ngào khóc ngất kể từ khi nghe tin chồng mình tử nạn. Hôm xảy ra sự việc, chị tranh thủ đi thăm người thân. Đến trưa về thấy nhà đông người, linh cảm có chuyện không hay nhưng chị không nghĩ chồng mình hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Khi hay tin xấu, chị đã ngã quỵ trong vòng tay người thân.

Được biết, gia đình anh Chính quê ở Hải Phòng, bố mẹ, họ hàng anh cũng hiện ở ngoài quê và đang mong ngóng Tết này con trai sẽ đưa gia đình về thăm. "Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc, gia đình anh Chính chỉ dám nói là anh Chính bị tai nạn vì sợ các cụ không chịu nổi hung tin. Khi nghe vậy, các cụ còn nói mang mật gấu vào cho anh thoa lên cho nhanh lành,...", chị dâu anh Chính buồn khóc kể lại.

Chuyến bay cuối cùng và sự hy sinh của những chiến sỹ không quân - Ảnh 3

Chị dâu của nạn nhân Chính buồn bã trước mất mát lớn.

Cùng ngụ trong con hẻm số 27 đường Thăng Long còn có gia đình nạn nhân Thượng tá Trần Văn Đức. Quê anh Đức ở Bắc Ninh và cũng về đây sống cùng năm với anh Chính. Thật không ngờ giờ lại xảy ra sự việc đau lòng như vậy. Chị Nguyễn Thị Thúy (hàng xóm của anh Chính và anh Đức) chia sẻ: "Bọn trẻ ở đây ai cũng ngưỡng mộ gia đình các chú ấy. Chúng xem các chú như những thần tượng và ước mơ sau này sẽ trở thành phi công. Bản thân chú Đức và chú Chính cũng rất yêu thương bọn trẻ và sống hòa đồng vui vẻ cùng mọi người. Các chú hy sinh như vậy, ai cũng xót thương...".

Xót xa hơn, gia đình Thiếu tá Lê Hồng Quân hiện vẫn ở căn nhà thuê tại tổ 16, khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Anh Phan Quốc Hưng, em rể của nạn nhân cho biết: "Anh Quân là nhân lực chính trong gia đình. Đứa con lớn của anh mới học lớp 1 còn đứa nhỏ mới 17 tháng tuổi, vợ anh ấy chưa có việc làm. Mới rồi anh ấy nói đang dành tiền mua nhà cho vợ con đỡ cảnh thuê mướn, vậy mà tai họa lại ập đến. Thật xót xa...".

Chiều cùng ngày, đại diện một số cơ quan hữu quan quận 12, TP.HCM đã đến thăm hỏi gia đình anh Quân và hỗ trợ gia đình.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân

Tối 28/1, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình các đồng chí hy sinh trong chuyến bay UH1. Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Qua đó, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, thực hiện tốt chế độ đối với các đồng chí hy sinh, lưu ý với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ phù hợp.

Theo Hạ Du- Hoàng Minh/ Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news