Thay vì cảm thụ "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến theo cách thông thường, thầy giáo dạy Hóa này đã khéo léo dùng kiến thức Hóa học để phân tích từng hình ảnh, hiện tượng xuất hiện trong bài thơ.
Nếu như Văn học là một môn cần trí tưởng tượng bay bổng và tư duy nghệ thuật thì Hóa học lại là một môn cần những kiến thức khoa học, phân tích thực tế. Tưởng chừng 2 môn một thuộc ban xã hội, một thuộc ban tự nhiên này sẽ chẳng có gì liên quan, ấy vậy mà vẫn có những giáo viên có thể dùng môn này để bổ trợ cho môn kia một cách vô cùng ngoạn mục.
Mới đây, một thầy giáo đã trở thành hiện tượng MXH khi tung lên mạng một bài giảng mượn những câu từ của bài thơ "Thu điếu" nổi tiếng để khéo léo truyền đạt lại những công thức hóa học vô cùng thú vị. Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, clip này đã đạt được gần 7k likes và hơn 2,1 lượt shares.
Từ trước tới nay, chúng ta đã quá quen thuộc với bài thơ "Thu điếu" trong chùm thơ thu của nhà Thơ Nguyễn Khuyến. Những câu thơ như "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo" cũng đã nằm lòng trong đầu mỗi người. Tuy vậy, chắc ít ai từng nhìn những hình ảnh này theo một góc nhìn khác, chẳng hạn như góc nhìn Hóa học giống như cách mà giáo viên dạy Hóa trong clip này làm.
Thay vì giảng Thu điếu theo kiến thức Văn học như bình thường, thầy giáo dạy Hóa này đã sử dụng chính chuyên môn Hóa học của mình để phân tích bài thơ
Thay vì cảm thụ "Thu điếu" theo cách thông thường, thầy giáo Hóa này đã tận dụng những kiến thức Hóa học để phân tích bài thơ. Đơn cử như vụ "Ao thu lạnh lẽo tức là nước ở nhiệt độ thấp, mà nước ở nhiệt độ thấp sẽ dẫn đến hiện tượng là độ tan của chất rắn trong nước sẽ giảm đi. Và do đó nó sẽ dẫn đến kết quả là nước trong veo" hay lá vàng trong câu "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo" là do trong lá vốn có chất diệp lục...
Những kiến thức Hóa học được thầy lồng ghép vào bài giảng vô cùng khéo léo
Cứ lần lượt phân tích từng câu, thầy còn không quên đặt giả định hài hước là chắc các nhà thơ của chúng ta ngày xưa cũng sẽ học hóa rồi khéo léo đan cài nhiều công thức hóa học khác vào giải đáp các vấn đề.
Clip phân tích "Thu điếu" sáng tạo này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cư dân mạng. Ai nấy đều tỏ ra thích thú với cách giảng sáng tạo này.
Một tài khoản có tên H.V.B.Đ bình luận: "Thầy mà giảng bài này sớm hơn thì em đã được 10 điểm sáng tạo phân tích bài Thu điếu - Nguyễn Khuyến rồi".
"Hóa với Văn, tưởng không liên quan hóa ra liên quan không tưởng. Chắc thầy ngày xưa yêu môn Văn mà gia đình hướng theo nghiệp dạy Hóa đây mà" - Bạn L.A.T hóm hỉnh.
Theo Helino