Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 10 đã có 3 vụ bạo hành dã man của các cô giáo mầm non ở các trường tư thục tại Lạng Sơn, Quảng Bình, Hà Nội gây bức xúc trong dư luận. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý trẻ và làm thế nào để hạn chế những việc bạo hành đối với trẻ đang là câu hỏi được đặt ra.
[mecloud]v7cgwpQnKw[/mecloud]
Nguồn: VTV
Trong thời gian gần đâynhững trường hợp các bảo mẫu bạo hành trẻ có tần suất xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ bạo hành ngày càng dã man và để lại dư chấn nặng nề.Những hành động này của các bảo mẫu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết trên VOV: “Những vụ bạo hành đối với trẻ mầm non sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của các em như: đêm đến trẻ có thể giật mình khóc thét, sợ người lớn và người lạ, sợ không đến trường. Những trường hợp trẻ bị bạo hành trong 1 thời gian dài sẽ dẫn đến trầm cảm, tự kỷ, mắc các hội chứng về thần kinh...”
“Ở trên thế giới, ngành khoa học và giáo dục quan niệm, chăm sóc cho trẻ dưới 5 tuổi là nền tảng để phát triển nhân cách cho một con người trong tương lai. Nếu chúng ta không chăm sóc cho lứa tuổi này thì nhân cách của các em sau này sẽ có nhiều sự lệch lạc” - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.
TS. Nguyễn Tùng Lâm (VOV) |
Vậy nguyên nhân của những việc bạo hành trẻ do đâu?
Nói về nguyên nhân của các vụ bạo hành ngày càng tăng PGS.TS Lê Thị Bắc Lý – Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết trên Phunuonline: Nguyên nhân đầu tiên thuộc về đạo đức nghề nghiệp trong mỗi con người. Nếu như có tình yêu mến trẻ, xác định trẻ em – học sinh cũng giống như chính con đẻ của mình thì sẽ không có những câu chuyện đau lòng xảy ra trong thời gian qua.
PGS.TS Lê Thị Bắc Lý (Ảnh: Phunuonline) |
Từ các vụ việc xảy ra có thể thấy việc quản lý của các cấp cơ sở còn lỏng lẻo nên để cho nhiều trường mầm non vô tư hoạt động, không kiểm tra chặt chất lượng giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, hiện nay giáo viên mầm non chưa được đào tạo bài bản, chưa qua trường lớp chính quy. Vì vậy những kỹ năng về chăm sóc trẻ, xử lý các tình huống còn thiếu kinh nghiệm.
Còn trên báo Tiền Phong, ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng số vụ bạo hành trẻ đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp và việc để xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và ngành giáo dục trực tiếp quản lý.
Mặc dù những trường hợp mà báo chí phản ánh chí là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo đức nhà giáo, kỹ năng nghề nghiệp, tình thương và trách nhiệm đối với trẻ của những ai làm sự nghiệp trồng người.
Theo ông Đặng Hoa Nam để giảm số vụ bạo hành, xâm hại đến trẻ em thì Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đường dây nóng (số 18001567) để ghi nhận, tư vấn và xử lý những vấn đề liên quan tới trẻ em. Và dự kiến vào tháng 10 này trình xin ý kiến Quốc hội về Luật Trẻ em. Nhưng theo ông thì việc quan trọng nhất và cần phải tập trung đó là những giải pháp mang tính phòng ngừa.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Trước hết Bộ GD-ĐT cần rà soát lại việc đào tạo giáo viên mầm non, cần phải trang bị cho giáo viên và các cán bộ quản lý những kỹ năng kiến thức cần thiết. Việc đào tạo không giáo viên mầm non phải chính quy, không nên để xảy ra tình trạng không đỗ được trường nào nên đăng ký học mầm non. Đồng thời, cũng cần phải có những biện pháp quyết liệt và nghiêm khắc đối với nhưng chấm dứt tình trạng bạo hành.
Hạ Vân (tổng hợp)