Tin mới

Chuyên gia Đức: Sự hung hăng của Trung Quốc đã phản tác dụng

Thứ bảy, 17/05/2014, 13:50 (GMT+7)

"Trung Quốc muốn thấy một ASEAN yếu kém và bị chia rẽ trong vấn đề biển Đông, muốn sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để dàn xếp các cuộc đàm phán..."

 

 

 

 

 

 

 

 

"Trung Quốc muốn thấy một ASEAN yếu kém và bị chia rẽ trong vấn đề biển Đông, muốn sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để dàn xếp các cuộc đàm phán..."

Trả lời phỏng vấn hãng tin Deutsche Welle (DW), ông Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á, từng công tác tại Viện nghiên cứu Các vấn đề An ninh và Quốc tế (SWP) tại Đức, cho rằng hiện vẫn chưa rõ vì sao Trung Quốc lại hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong lãnh thổ Việt Nam vào lúc này.

Dù vậy, theo ông Will, một trong những lý do là Trung Quốc muốn thử xem "tình đoàn kết của ASEAN với Việt Nam sẽ được tới đâu" và "Hà Nội và Manila sẽ được Mỹ ủng hộ tới mức nào".

Chuyên gia Will đánh giá, "Bắc Kinh rõ ràng là không mong chờ phản ứng mạnh mẽ như thế này từ phía Việt Nam. Sau khi nhận ra rằng động thái mới nhất của mình đẩy Hà Nội và Manila tới gần nhau hơn, Trung Quốc giờ đây có vẻ đang nao núng".

Trong khi đó, ông Ernest Bower, Chủ tịch Sumitro về Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược đánh giá rằng "Trung Quốc muốn thấy một liên minh ASEAN yếu kém và bị chia rẽ trong vấn đề biển Đông, muốn sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự mới phát triển của mình để dàn xếp các cuộc đàm phán không cân xứng với những nước láng giềng nhỏ hơn nhằm nỗ lực chi phối tranh chấp lãnh thổ".

Tuy nhiên, ông Bower nhận định, "rõ ràng là động thái hung hăng mới này của Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia láng giềng quan ngại... Trung Quốc đang khiến ASEAN cùng hướng về các mối quan tâm chung và điều đó khiến cho khối này càng thêm gắn kết hơn".

 

Cụ thể, ông Bower viện dẫn rằng, mặc dù không có những tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông, song Indonesia đã công khai bày tỏ lo ngại về việc đường biên giới mà Trung Quốc tự vẽ ra nhằm ngang ngược đánh dấu lãnh thổ của mình đã che khuất vùng biển của Indonesia ở biển Natuna. Còn Singapore là quốc gia đầu tiên công khai kêu gọi Trung Quốc kiềm chế sau khi những căng thẳng tăng cao tại biển Đông quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam.

Theo ông, trong hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, "các nhà lãnh đạo ASEAN đã dành nhiều thời gian và có những cuộc thảo luận nghiêm túc về các vấn đề gây ảnh hưởng tới biển Đông, thủ đoạn mới, hung hăng hơn của Trung Quốc và cách đối phó với chúng".

Ông Bower khẳng định: "Việt Nam có thể hi vọng vào sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Đa phần các quốc gia đều quan ngại khi một quốc gia lớn sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế to lớn nhằm phục vụ tham vọng lãnh thổ của mình, gây hại cho một nước nhỏ. Trong trường hợp này, gần như tất cả các quốc gia đều muốn thuyết phục Trung Quốc tham gia vào việc soạn thảo các quy định và làm theo các quy định đó. Nếu không, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bị sự hung hăng của Trung Quốc làm cho bất ổn, thương mại và đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news