Vụ việc ba học sinh tiểu học ở Hà Nội và 3 học sinh THCS ở Phú Yên bỏ nhà đi tìm việc khiến dư luận lo ngại. Nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý cũng đã "mổ xẻ" nguyên nhân cũng như cho các phụ huynh lời khuyến cáo.
Như tin tức đã đưa, ngày 9/3, thông tin bốn học sinh trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) tự ý trốn học, rủ nhau lên xe buýt rồi sau đó không trở về nhà khiến gia đình và nhà trường lo lắng. Đến 22h cùng ngày cơ quan công an kết hợp với các đơn vị chức năng đã tìm thấy 4 học sinh đó.
"Nguyên nhân vụ việc được công an quận Đống Đa, Hà Nội xác định 4 cháu học sinh lớp 5 rủ nhau bỏ học, trốn nhà đi xin việc làm để có tiền ăn chơi", báo Gia đình và Xã hội đăng tải.
Hình ảnh 4 nữ sinh lớp 5 ở Hà Nội trốn học ra khỏi trường. Ảnh: An ninh thủ đô |
Trước đó, ngày 17/2, sau khi đến trường, 3 học sinh THCS ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đồng loạt nộp giấy xin phép nghỉ học với lý do bận việc nhà rồi đột nhiên “mất tích”. Trước khi bỏ đi, 3 nữ sinh trên để lại 3 bức thư báo tin gia đình biết mình đã rời quê nhà đi nơi khác tìm cuộc sống tự lập. Sau 5 ngày không tìm thấy việc làm, các em đã được tìm thấy ở Nha Trang và người quen đưa về nhà an toàn.
Sau hai vụ việc trên, nhiều cha mẹ đã chia sẻ sự hoang mang. Trong khi đó, các nhà giáo dục, nghiên cứu tâm lý khuyến cáo, phụ huynh cần phải quan tâm đến con cái nhiều hơn.
Trao đổi trên Tiền phong, thạc sỹ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, học sinh có hành động như người lớn để khẳng định mình.
"Ở lứa tuổi này, các em có tâm lý muốn trở thành người lớn, muốn được khẳng định bản thân qua các hoạt động xã hội, muốn được người thân, cha mẹ và thầy cô đánh giá. Thế nhưng các em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ và người lớn. Cha mẹ hay người lớn cũng chưa công nhận các em là người trưởng thành. Vì thế một số em hành động như kiểu người lớn như việc bỏ nhà kiếm tiền, ăn chơi để khẳng định mình", báo Tiền phong dẫn lời ông Công.
Cùng phân tích nguyên nhân trên Zing.vn, TS Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó khoa Xã hội học (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cho rằng, các em mới là học sinh bậc tiểu học mà có những hành động như vậy có thể thấy nó xuất phát từ môi trường giáo dục, môi trường sống. Bỡi lẽ, môi trường sống có tác động rất lớn đối với trẻ em.
"Các em trốn ra khỏi trường và nghĩ rằng mình có thể bỏ đi kiếm tiền ăn chơi rất có thể là do các em bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, từ hiện thực cuộc sống. Hiện nay, học sinh đang bị tác động rất lớn bởi cách nói, cách làm, cách ứng xử của người lớn. Vì thế ngay trẻ em thường hay nghĩ tới vấn đề hưởng thụ, tới vật chất, nghĩ tới những vấn đề người lớn làm và nó mong muốn có thể làm như vậy”, bà Quyên phân tích.
H.Minh (tổng hợp)