Tin mới

Chuyên gia Nhi khoa cảnh báo tuyệt đối không dùng sữa mẹ nhỏ mắt, bôi viêm da

Thứ tư, 06/06/2018, 14:45 (GMT+7)

Tại Bệnh viện Mắt trung ương, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương mắt do mẹ nhỏ sữa mẹ vào mắt.

Tại Bệnh viện Mắt trung ương, các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương mắt do mẹ nhỏ sữa mẹ vào mắt.

Bé 7 tháng tuổi hoại tử mắt vì nhỏ sữa mẹ

Gần đây nhất là trường hợp bé L.V. K trú tại Sơn La, 7 tháng tuổi được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng phù nề, giác mạc mắt trái bị hoại tử toàn bộ.

Khi bé bị đỏ mắt trái, gia đình đã nghe theo lời mách của mọi người xung quanh, nhỏ sữa mẹ trực tiếp vào mắt. Sau 1 tuần thấy mắt trẻ sưng nề, gia đình đã đưa lên bệnh viện huyện khám. Bệnh viện huyện đã ngay lập tức chuyển lên bệnh viện Mắt Trung ương.

ThS. BS Trần Thu Hương, Khoa mắt Trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mọi người vẫn nghĩ sữa mẹ có kháng thể có thể chữa được rất nhiều bệnh trong đó có đau mắt. Nhưng thực tế, khi nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, khiến cho bệnh nhiễm trùng của bệnh nhi phát triển rất nhanh và nặng.

Trẻ sơ sinh thường có rỉ mắt sau khi sinh cần phải vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý cho trẻ, đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa về mắt để có hướng điều trị đúng. Tránh phương pháp dân gian nhỏ sữa hay dùng các loại thuốc lá nhỏ mắt cho trẻ rất nguy hiểm, khiến cho bệnh lý tiến triển rất nhanh. Trước khi nhỏ mắt cho trẻ bố mẹ cần phải rửa sạch tay.

Chuyên gia Nhi khoa cảnh báo tuyệt đối không dùng sữa mẹ nhỏ mắt, bôi viêm da - Ảnh 1.

Trường hợp bé 7 tháng tuổi hỏng 1 mắt vì nhỏ sữa mẹ.

Nhiều trẻ bị đau mắt và khỏi là do miễn dịch của cơ thể chứ không liên quan tới việc nhỏ sữa vào mắt. Rất nhiều bệnh nhi bị đau mắt nặng hơn sau khi nhỏ sữa mẹ vào mắt. Sữa là nguyên liệu nhiều dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển rất nặng lên. Nhỏ sữa vào mắt trẻ dễ gây ra một số bệnh lý về mắt viêm kết mạc, thủy giác mạc, hỏng mắt.

Không chỉ chữa bệnh mắt, trên các diễn đàn mạng, các mẹ chia sẻ, ngoài nuôi con sữa mẹ còn được coi là thần dược chữa bệnh cho trẻ: "Nhỏ giọt như nhỏ nước muối thôi ạ! Mẹ search google xem những tác dụng của sữa mẹ còn chữa được cả viêm tai giữa nữa đấy. Mình thấy cách này lạ nhưng đc chia sẻ bởi chuyên gia sữa mẹ nên cũng thử cho con vì con bị lâu quá dùng đủ loại thuốc tây không khỏi".

Sữa mẹ là thần dược?

Chị Nguyễn Thị Hà trú tại Mỹ Đình, Hà Nội từng tự hào là bà mẹ nuôi con nói không với kháng sinh. Con gái lớn sinh năm 2014 chị nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. 

Bé ốm sụt sịt chị chỉ sử dụng nước muối rửa mũi sạch rồi nhỏ sữa mẹ vào mũi như hướng dẫn của những bà mẹ "tín đồ" cuồng sữa mẹ. Trộm vía bé ít ốm và chị Hà tự coi phương pháp chữa bệnh cho con bằng sữa mẹ rất tốt.

 

Đến bé thứ hai, khi bé mới 3 tháng tuổi bị viêm mũi họng, ho, chị dùng mật ong, húng chanh và hút mũi cho con rồi lại nhỏ sữa mẹ vào mũi bé. Mũi bé khô nhưng không đỡ, vài ba ngày sau bé nhập viện gấp vì viêm phổi còn chị cứ kiên trì chữa cho con bằng sữa mẹ.

Còn Trường hợp con chị Trần Thị Thu – Hiệp Hoà, Bắc Giang, cháu bị viêm da chị lấy sữa mẹ nhỏ khiến tình trạng viêm da càng nặng hơn. 

Vùng mặt và vùng da của bé chảy dịch, đau rát suốt ngày quấy khóc nhưng chị kiên trì chữa bằng cách vắt sữa và thấm lên vùng da tổn thương. Đến khi tình trạng con nặng hơn chị mới đưa bé về Hà Nội khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu viêm da do thiếu kẽm chứ không phải là giời leo hay viêm da mụn sữa.

PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết sữa mẹ chỉ là thực phẩm cho trẻ nhỏ chứ không phải thuốc chữa bệnh.

Sữa mẹ có những chất dinh dưỡng thiết yếu và nó còn có các kháng thể truyền từ mẹ, giúp trẻ tăng sức đề kháng, hạn chế bệnh tật... mà không có loại sữa nào sánh bằng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là có thể dùng sữa mẹ nhỏ vào mắt để chữa đau mắt, nhỏ lên da, nhỏ vào mũi để chữa viêm mũi họng cho trẻ là được.

Nếu lấy sữa mẹ bôi, nhỏ lên mắt, những vết xước trên da còn có thể gây nhiễm trùng vì trong môi trường bình thường, sữa mẹ có thể bị nhiễm khuẩn gây tổn thương mắt, vùng da, mũi khi được nhỏ, bôi sữa mẹ.

Ngọc Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news