Tin mới

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì "xin" được cứu bệnh nhi: Nếu 99\% là thua thì hãy cho chị 1\% còn lại để cứu con của em!

Thứ sáu, 13/04/2018, 08:56 (GMT+7)

Bác sĩ Hương vẫn tâm niệm, mất mát vốn là một phần của cuộc sống, cái gì cũng sẽ đến lúc tan biến, vấn đề là mình đón nhận nó như thế nào. Vì vậy, ung thư không đến nỗi bi quan như nhiều người vẫn nghĩ. Luôn có những ánh sáng phía cuối đường hầm, quan trọng là mình có chịu đi hay không.

Bác sĩ Hương vẫn tâm niệm, mất mát vốn là một phần của cuộc sống, cái gì cũng sẽ đến lúc tan biến, vấn đề là mình đón nhận nó như thế nào. Vì vậy, ung thư không đến nỗi bi quan như nhiều người vẫn nghĩ. Luôn có những ánh sáng phía cuối đường hầm, quan trọng là mình có chịu đi hay không.

Một buổi sáng thứ 4 tại khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, chúng tôi hẹn gặp TS. BS. Phạm Thị Việt Hương. Dáng vẻ tất bật chạy từ phòng này tới phòng khác của bác sĩ có lẽ là "dấu hiệu" đặc trưng để mọi người nhận ra chị. Vài nữ điều dưỡng mở lời với chúng tôi: "Đấy, cái người mà vừa đi vừa nghe điện thoại là bác sĩ Hương đó". 

Tại căn phòng làm việc nhỏ ở khoa Nhi, mở đầu câu chuyện bác sĩ Hương thủ thỉ: "Hôm nay, tụi em muốn nghe về điều gì?" 

"Về cái chết đi ạ!" - chúng tôi đáp. 

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 1.

TS. BS. Phạm Thị Việt Hương (khoa Nhi - Bệnh viện K cơ sở Tân Triều).

"Bác Hương" của những chiến binh đầu trọc

Chúng ta vẫn hay định nghĩa ung thư là bệnh nan y, thậm chí cực đoan hơn, ung thư là án tử hình. Chỉ cần nghe về mầm bệnh K thôi, sự tuyệt vọng thể hiện rõ nét trên biểu cảm của từng bệnh nhân với thoáng suy nghĩ: Chết, trước sau gì rồi cũng chết! 

"Ai bảo với tụi em ung thư đồng nghĩa với cái chết! Chẳng có bệnh nào bằng cái chết hết. Cũng như phong, hàn, lao, ung thư thuộc tứ chứng nan y nhưng nếu phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, như cách tôi vẫn hay nói, chúng ta sẽ tìm thấy ánh sáng phía cuối đường hầm". Bác sĩ Hương đưa ra định nghĩa về ung thư của riêng chị, mà theo đó ung thư là sự cộng hưởng của nỗ lực và khát khao sống, chứ không phải là dấu chấm hết cho tất cả. 

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 2.

18 năm trong nghề, bác sĩ Hương tâm niệm ung thư không bao giờ bằng cái chết.

18 năm gắn bó với khoa Nhi ung thư, bác sĩ Hương vẫn xem đây là mối "lương duyên" mà ông trời se duyên cho chị. "Tôi không chọn nghề mà nghề chọn tôi đấy chứ!". Thời điểm tốt nghiệp Đại học, bác sĩ Hương được phép lựa chọn giữa khoa Nhi hoặc chuyên răng hàm mặt. Với niềm yêu thích trẻ em, chị Hương đã quyết định gắn bó với lũ nhóc như một sự tình cờ. Đến tận bây giờ đã 18 năm trong nghề, nữ bác sĩ chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn năm xưa của mình.

Ở viện, các bệnh nhi ung thư không hề xem chị Hương là bác sĩ. Chị là bác, là cô, là mẹ của lũ nhỏ. Mỗi khi thấy bóng dáng "bác" Hương tới thăm khám, 3, 4 cậu nhóc cứ chạy theo bám lấy chân chị. "Bác Hương ơi, bác Hương ơi, nay con có kẹo không ạ?". Ở đây, lũ nhóc không sợ bác sĩ...

"Thực ra ung thư nói chung vẫn là một bệnh khó. Các cháu đến viện đều trong giai đoạn muộn và tình trạng nặng, tiên lượng xấu. Nhưng dù là cái chết cận kề, các cháu vẫn quyết định đánh cược... Đó là một sự biết ơn và cũng là một cơ hội để tôi được làm hết sức mình". Chưa bao giờ, bác sĩ Hương buông tay các bé, như cách chị vẫn hay đùa, bản thân mỗi chúng ta phải luôn biết đấu tranh với tử thần. 

Bác sĩ Hương vẫn tâm niệm, mất mát vốn là một phần của cuộc sống, cái gì cũng sẽ đến lúc tan biến chỉ có điều mình đón nhận nó như nào. Bởi thế ung thư không đến nỗi bi quan như nhiều người vẫn nghĩ, nghề này có nhiều ánh sáng phía cuối đường hầm, vấn đề là mình có chịu đi hay không.

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 3.

"Ánh sáng phía cuối đường hầm, vấn đề là mình có chịu đi hay không".

"Khi bị trả về, các cháu đến với tôi"

Trước khi tìm đến viện K, tìm tới bác sĩ Hương, lũ nhỏ từng được các bác sĩ ở bệnh viện khác khuyên gia đình cho về. Dẫu sao là ung thư, các em có lẽ nên ra đi trong vòng tay bố mẹ, người thân hơn là giữa chằng chịt đủ thứ thiết bị, máy móc.

"Khi bị trả về, các cháu đến với tôi.

Một phần tôi đã làm 18 năm nên có kinh nghiệm nhất định. Tôi hiểu mình vẫn có thể làm được, tôi dũng cảm nhận các cháu để chăm sóc".

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 4.

Với những bệnh nhi ung thư mang khối u to khắp ổ bụng, suy tim, suy phổi, thậm chí tế bào ung thư tràn ngập khắp tủy thì chỉ số sinh tồn lúc đó rất xấu. Trong nghề y, khi bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản và thở máy thì gần như biết trước được cái chết của mình. Nhưng phép màu vẫn le lói xuất hiện đâu đó, nó đúng với trường hợp của em Đỗ Mạnh Cường - bệnh nhi từng tưởng như chỉ còn nằm chờ cái chết.

"Chúng tôi quyết tâm truyền hóa chất cho cháu. Dần dần Cường hồi phục, thoát máy thở, các chỉ số được cải thiện, các vùng tổn thương tan hết. Các bạn phải chứng kiến giây phút đó, khi mà cháu tách khỏi máy thở, chúng tôi xem đó như một điều kỳ diệu tuyệt vời". 

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 5.

Mỗi quyết định trong nghề bác sĩ đều rất đắn đo, suy nghĩ thận trọng.

"Tôi sẽ kể các bạn nghe thêm một câu chuyện nữa, là về em bé Lê Hoàng Long Hải" - bác sĩ Hương nói. "Bé có khối u ở bụng dài 18 cm như một sản phụ mang thai 9 tháng, toàn bộ tế bào ác tính đã di căn vào tủy đến 75%. Chúng tôi đã phải suy nghĩ, liệu có nên điều trị hóa chất cho một đứa bé khi đó chỉ mới 4 tuổi?"

Và kết quả là "có"! Khối u tan biến, các tế bào ác tính bị "phá vỡ", bé Hải trở về với cuộc sống của một đứa trẻ bình thường. Em vui, em khỏe và em cười! 

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 6.

Với lũ nhỏ, bác sĩ Hương là mẹ, là bạn.

Nữ tiến sĩ ngày đêm xin người nhà cho mình cứu bệnh nhi

Để nhận xét ngắn gọn về bác sĩ Hương, nhiều người hay đùa: "Bác sĩ Hương "lì lợm" ghê lắm luôn!". Chị không chịu "buông tha" bất cứ ai, vẫn kiên trì gọi điện cho bố mẹ, ông bà bệnh nhi chỉ để nài nỉ được chữa bệnh cho con cháu họ.  

"Tôi muốn thuyết phục người nhà bệnh nhân cho tôi được cứu các bé".

Có một người mẹ đã từng đau đớn khi hay tin con bị ung thư giai đoạn cuối. Thời điểm đó, mọi thứ gần như chỉ là bóng tối bao trùm. Người mẹ ấy sau nhiều nỗ lực đã xin đưa con mình về nhà, để bé được ra đi trong chính vòng tay của mình. Lúc này, bác sĩ Hương chỉ hỏi một câu: "Em xác định con em sẽ mất đúng không?".

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 7.

- "Vâng, em biết mình không giữ được con.

- "Con mất trong tay em hay trong tay bác sĩ có khác nhau gì không? Nếu em xác định mất con, đằng nào cũng là chết, chết trong tay em hay trong tay bác sĩ thì đều là cái chết. Em hãy cho chị cơ hội được điều trị cho con em.

Nếu 99% là thua thì còn 1 % thắng. Em hãy cho chị 1% đấy, biết đâu chị nhân lên 2, 3, 4, và cuối cùng nó thành 90% cơ hội sống thì sao".

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 8.

Kể từ ngày đó, cả mẹ và bé cũng giao niềm tin to lớn của mình đặt cả vào bác sĩ Hương. Chẳng phải là điều gì quá to tát, cũng không thể hứa trước điều gì, chị Hương tin thái độ làm việc sẽ giúp mình cứu sống các bệnh nhi. 

Trước những ca thất bại, nhìn những thiên thần nhí cất cánh bay về trời, chả ai tránh được những xúc cảm xót xa, đau đớn. Nhưng nếu mình cứ ngồi đó và hoài xót xa thì cũng không được thêm ích lợi gì. "Càng làm nghề lâu tôi biết, thay vì như thế, tôi càng phải thôi thúc mình học nhiều hơn. Tốt hơn hết, tôi mong đừng để các con phải chết trong sự thiếu nỗ lực của bác sĩ". 

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 9.

Đôi khi, lời nói dối rất cần thiết...

Bác sĩ Hương thừa nhận bản thân từng thất bại, không phải trong chuyên môn, mà ở việc thông báo tin xấu cho người nhà và chính các bệnh nhân. Đó là một điều không tưởng và hết sức khó khăn. Phía gia đình nếu không thể chấp nhận điều đó, họ sẽ gào thét, đập phá như một nỗ lực nhằm chối bỏ sự thật. "Áp lực khi đó của một người bác sĩ, chúng tôi cần một cái đầu lạnh và một trái tim nóng". 

"Anh/chị/cháu bị ung thư di căn rồi!, "Cháu không còn cơ hội sống là bao nữa đâu!", bác sĩ Hương không bao giờ thốt ra những lời nói như thế dẫu đó là sự thật về tình trạng của bệnh nhân. Cách thông báo tin xấu, theo chị là cả một nghệ thuật. Dần dần lời nói dối là rất cần thiết nhưng sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta phải biết cách nói thật cho bệnh nhân hiểu. Bởi lẽ, chẳng ai dễ dàng chấp nhận cái chết. Chỉ có điều, hãy thật nhẹ nhàng và chân thành nhất!

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 10.

Dưới bàn tay trìu mến của bác sĩ Hương, lũ trẻ khỏe lên từng ngày.

"Cháu còn mong muốn gì? Cháu còn có những dự định gì cần làm không? Nếu còn nhiều việc dang dở, cháu hãy biết trân quý thời gian của mình kể từ bây giờ nhé!". Cứ như thế, cách bác sĩ Hương khiến bệnh nhân hiểu và đi đến được câu cuối cùng: "Bệnh của cháu đã di căn tới gan, tiên lượng không được tốt". Đổi lại, một ánh nhìn trìu mến và có lẽ cả những giọt nước mắt. Dẫu sao, ung thư vẫn không bằng cái chết, đó là đích đến mà chúng ta nên tự hào sau khoảng thời gian dài chiến đấu với nó. 

Với nhiều bệnh nhi tại viện K, bác sĩ Hương không phải người sinh ra nhưng là người giành lại các em từ bàn tay tử thần. Các em coi bác sĩ như người mẹ, người bạn. Đến khi xuất viện về nhà, những bức thư, bài thơ, tin nhắn vẫn đều đặn được gửi đến "mẹ" Hương. 

Đến cuối cuộc trò chuyện ngày hôm đó, chúng tôi vẫn đang bàn về cái chết, nhưng có lẽ với một giọng điệu khoan thai và lạc quan hơn. Vẫn luôn luôn là lớp lang suy nghĩ, ung thư không bao giờ bằng cái chết. 

Chuyện nữ tiến sĩ viện K kiên trì xin được cứu bệnh nhi: Nếu 99% là thua thì hãy cho chị 1% còn lại để cứu con của em! - Ảnh 11.

"Tôi không nghĩ mình sẽ thay đổi hoàn toàn được định nghĩa về cái chết nhưng hy vọng phần nào thay đổi cái nhìn, giúp họ nhìn cái chết một cách lạc quan và dễ chấp nhận hơn.

Do vậy, suy nghĩ về cái chết một cách hiểu biết thì chúng ta càng bao dung nhẫn nại hơn, tử tế dịu dàng hơn đối với bản thân mình cũng như đối với người khác". 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news