Tin mới

Chuyện ông Nguyễn Bá Thanh dẹp nạn ăn xin, chăm lo Tết cho xe ôm, ba gác

Thứ bảy, 14/02/2015, 08:00 (GMT+7)

Chỉ sau hơn chục năm từ đô thị còn nhiều nhếch nhác, Đà Nẵng lột xác thành “thành phố đáng sống”. Và để trở thành đô thị lỗng lẫy, văn minh như hiện nay thì người đứng đầu thành phố ngày trước, ông Nguyễn Bá Thanh, đã ghi dấu ấn bằng những chuyện cảm động, khó tin…

 

Chỉ sau hơn chục năm từ đô thị còn nhiều nhếch nhác, Đà Nẵng lột xác thành “thành phố đáng sống”. Và để trở thành đô thị lỗng lẫy, văn minh như hiện nay thì người đứng đầu thành phố ngày trước, ông Nguyễn Bá Thanh, đã ghi dấu ấn bằng những chuyện cảm động, khó tin…

 

Dù Đà Nẵng là thành phố du lịch nhưng du khách đến đây tham quan không hề thấy bóng dáng một người lang thang ăn xin tại các di tích, nhà ga, bến xe, chợ… như những nơi khác. Nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên và thích thú vì không bị làm phiền trong thời gian nghỉ ngơi. Có được môi trường du lịch lành mạnh đó là nhờ ông Nguyễn Bá Thanh đã giải quyết vấn đề này 15 năm trước.

Năm 2000, ông Nguyễn Bá Thanh đang là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trong một cuộc họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Sở này dẹp bỏ tình trạng người ăn xin đeo bám du khách. Tuy nhiên, Sở này cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, khó xử lý và không thể dứt điểm. Ông Thanh lúc này lập tức phản bác lại ý kiến của lãnh đạo Sở. Ông Thanh nhấn mạnh những người ăn xin họ là người nghèo, không có việc làm hay không đủ sức làm việc. Họ phải ăn xin vì cần phải có cái ăn, cái mặc. Chính quyền chỉ cần giải quyết gốc rễ vấn đề là có đủ cơm ăn, áo mặc thì sẽ không còn người ăn xin. “Các anh không làm được thì tôi sẽ đích thân làm để các anh thấy”, ông Thanh khẳng định.

Chuyện ông Nguyễn Bá Thanh dẹp nạn ăn xin, chăm lo Tết cho xe ôm, ba gác

Hàng trăm người chờ đón ông Thanh tại sân bay tối ngày 6/1.

Sau cuộc họp, ông Thanh lập tức thành lập tổ 550 với số điện thoại nóng 05113.550.550 có nhiệm vụ “thu gom” người ăn xin về các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Những người có nhu cầu về lại quê sẽ được TP. Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, xe đưa về tận nơi. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền sẽ hỗ trợ học việc. Ngoài ra, với người già cả, cao tuổi sẽ được chăm sóc chu đáo tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, ông Thanh còn huy động cả xã hội vào cuộc chống nạn ăn xin bằng cách thưởng nóng 200 nghìn đồng cho một tin báo từ người dân.

Chị Trần Thị Lựu, tiểu thương buôn bán ở chợ Hàn, cho hay, trước đây người ăn xin tập trung dày đặc trước cổng chợ vì có nhiều du khách. Tuy nhiên, khi ông Thanh có chính sách hỗ trợ, chăm sóc họ thì số người ăn xin đã giảm. Mặc dù vậy, có nhiều đối tượng vẫn cố tình giả dạng ăn xin để kiếm tiền bất chính khiến khách du lịch bực mình. “Tôi có lần thấy mấy người ăn xin liên tục bám đuôi vị khách nước ngoài khiến họ nổi nóng nên gọi cho đường dây nóng. Chỉ mấy phút mà họ đã tới giải quyết liền. Tôi cũng được thưởng ngay 200 nghìn đồng. 5-6 năm trở lại đây thì rất hiếm có người ăn xin ở thành phố này nhưng Chính sách thưởng tiền khi báo tin của bác Thanh vẫn giữ nguyên như cũ”, chị Lựu nói.

Chuyến xe chở trẻ chậm tiến…

Trong tiệm Honda nhỏ trên đường Ngô Quyền (quận SơnTrà, TP Đà Nẵng), chàng thanh niên Nguyễn Tấn Hoàng (18 tuổi, phường An Hải Bắc) đang cặm cụi sửa chữa x echo khách. Cuộc đời của Hoàng có lẽ sẽ rẽ sang một hướng khác nếu hai năm trước cậu không được gặp trực tiếp và cùng ông Nguyễn Bá Thanh đi chung trên một chuyến xe.

Ông Nguyễn Bá Thanh tại buổi đối thoại với thanh thiều niên chậm tiến.

Ngày 12/7/2012, Hoàng là một trong số 176 thanh thiếu niên chậm tiến, từng có hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, đánh nhau, sử dụng chất ma túy trái phép… tham dự buổi đối thoại với ông Thanh. Buối đối thoại dự định sẽ diễn ra trong buổi sáng nhưng phút chót ông Thanh đổi ý, thuê xe đưa toàn bộ các em lên tham quan khu du lịch Bà Nà Hills. Hoàng cho biết từ nhỏ đến lớn chưa từng đến một nơi đẹp như vậy nên vui chơi rất thỏa thích. Các em được tham quan, chơi trò chơi hoàn toàn miễn phí. Vậy nhưng giữa lúc “đám trẻ” đang vui sướng nô đùa thì ông Thanh lại cắt ngang, gọi tất cả lên xe rồi quay về. “Lúc đó cũng nghĩ chắc bác Thanh “diễn” thôi chứ chẳng quan tâm đến đám bụi đời nửa mùa như tụi em”, Hoàng tâm sự.

Tuy vậy, chuyến xe chở các em không tiến về thành phố mà tiến thẳng đến trại giam Hòa Sơn (quận Liên Chiểu). Các em được các quản giáo đưa đi thăm từng buồng giam, chứng kiến cảnh phạm nhân bị giam giữ, lao động cải tạo và mất hết tự do. Sau 2 giờ “tham quan” trại giam, ông Thanh mới từ tốn gọi tất cả mọi người lên xe về Đà Nẵng ăn trưa và tổ chức buổi đối thoại vào buổi chiều.

“Bác Thanh hỏi tụi em sáng đó thích đi đâu thì tất cả đều trả lời là Bà Nà hills. Bác Thanh hỏi tiếp tại sao thì tụi em nói không thích nhà tù mà thích đi du lịch”, Hoàng kể. Ông Thanh lúc đó mới từ tốn giải thích chuyến đi buổi sáng đã đưa các em lên “thiên đường” và xuống “địa ngục”. Ông Thanh nói ở lứa tuổi thanh, thiếu niên có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm pháp. Từ những hành vi nhỏ như lười học, đua đòi, nghiện game, hút thuốc lá, đánh bài… rồi từng bước lớn dần mà các em không tự nhận ra dẫn đến trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người. Ông Thanh khẳng định, trong cuộc sống, ai cũng có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm và kể cả ông cũng vậy.

“Bác Thanh nói tụi em ở đó đều đã có sai lầm, ai muốn đi du lịch thì hãy đứng dậy sau những vấp ngã, còn ai muốn đi tù thì khi phạm tội sẽ bị xử thật nặng. Nghe bác Thanh nói, em mới ngộ ra những sai lầm của mình”, Hoàng nhớ lại.

Theo Hoàng, ông Nguyễn Bá Thanh đã ngồi suốt buổi chiều để nghe tâm sự, nguyện vọng của từng em. Kết thúc buổi đối thoại, tùy vào nguyện vọng của mỗi em mà ông Thanh giao cho từng cơ quan đơn vị như chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… giúp đỡ. “Em thì có nguyện vọng xin đi học sửa chữa xe máy nên bác Thanh giao cho Đoàn thanh niên. Em học nghề một năm, đoạn tuyệt với mấy đứa bạn xấu. Bây giờ em làm thuê ở đây lương tháng 5 triệu đủ để lo cho em và mẹ. Nếu không có bác Thanh thì có lẽ bây giờ em đang ở “địa ngục” là nhà tù nào đó”, Hoàng nói tự tin.

Chăm lo Tết cho người lái xe ôm, ba gác

 Ở Đà Nẵng, cứ ngày 25 tháng chạp hàng năm, cánh xe ôm, xích lô, xe thồ lại mang thẻ hành nghề lên UBND phường nhận 250 nghìn đồng tiền trợ cấp Tết. Đó là quy định do UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kéo dài 7 năm qua. Người đề xuất chính sách chăm lo tết cho các đối tượng này không ai khác chính là ông Nguyễn Bá Thanh.

10 năm trước, ông Nguyễn Bá Thanh thời điểm đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tiến hành hàng loạt biện pháp chỉnh trang đô thị như cấm người lang thang ăn xin, bán hàng rong… Ông Thanh cũng yêu cầu các địa phương tổ chức lại đội ngũ lái xe ôm, xích lô, xe thồ. Ai muốn hành nghề phải đăng kí với địa phương và có thẻ. Mỗi địa phương thành lập các tổ xe ôm cụ thể để tránh tình trạng tranh giành khách. Vậy nhưng những ngày giáp Tết năm 2007, ông Thanh đi thực tế địa bàn thì thấy cảnh một nhóm xích lô, xe thồ đang tranh giành khách. Ông liền hỏi nguyên nhân thì họ cho hay do đã cận Tết nên phải làm việc cật lực để có ít tiền lo Tết cho gia đình. Vậy là ông Nguyễn Bá Thanh quyết định chi một khoản tiền hỗ trợ cho người hành nghề xe ôm, xích lô, xe ba gác để tất cả cùng đón cái Tết đầy đủ hơn.

“Ngày 25 Tết năm 2007, tôi thấy đứa con đưa tờ giấy của phường mời lên trụ sở nhận tiền hỗ trợ. Tôi định không đi vì mình không phải hộ nghèo nhưng thấy mấy đồng nghiệp xe ôm khác cũng có giấy mời nên đi chung. Chúng tôi mỗi người nhận được tiền hỗ trợ Tết. Nhận tiền đó về, tôi mua thêm cân hạt dưa, vài ba hộp bánh, gói trà, miếng thịt giúp cho cái Tết thêm đầm ấm. Sau này tôi mới biết chính sách này do bác Thanh nghĩ ra để giúp gia đình an hem xe thồ tụi tui”, ông Cử nói.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, dù ông Thanh đã ra Tung ương làm việc nhưng chính sách trợ cấp này được duy trì bởi ý nghĩa xã hội đặc biệt của nó. Theo ông An, UBND TP Đà Nẵng đã duyệt chi hỗ trợ cho các đối tượng xe ôm, xe thồ, xích lô, Tết âm lịch 2015 mỗi người 250.000 đồng như mọi năm.

Ông Thanh được phát hiện mắc bệnh rối loạn sinh tủy khoảng tháng 5/2014. Sau đó ông được đưa vào bệnh viện Quân đội 108 rồi sang Singapore và Mỹ điều trị. Ngày 9/1/2015, ông được đưa trở về bệnh viện Đà Nẵng theo nguyện vọng cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, do bệnh nặng, ông đã không qua khỏi và từ trần vào trưa nay (13/2/2015).

Hiện công tác chuẩn bị cho lễ viếng và lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh đang được gia đình cùng chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành của Thành phố Đà Nẵng tiến hành.

Hoàng Long

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news