Điều gì khiến vị Chủ tịch CBRE châu Á (tại Thái Lan) thuộc Tập đoàn tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới chấp nhận một trợ lý vừa mới ra trường, chưa hề có chút kinh nghiệm nào về bất động sản. Làm thế nào để cô gái Việt Nam vừa tốt nghiệp loại ưu một trường đại học ở Mỹ chinh phục được nhà tuyển dụng khó tính khi trước đó cô chưa biết gì về họ.
Trần Thanh Nga – cô gái xinh xắn đã mang theo lời dặn dò của bố “con sẽ là công dân quốc tế”, vươn ra thế giới lĩnh hội tri thức về kinh tế để trở về phục vụ đất nước mình.
Sinh viên Việt Nam đầu tiên được phát biểu tại lễ bế giảng Đại học Union
Một niềm tự hào trào dâng khiến tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, người mẹ hạnh phúc khi chứng kiến cô con gái bé nhỏ của mình hiên ngang, đầy kiêu hãnh bước lên bục phát biểu tại lễ bế giảng của Đại học Union (Mỹ). Nhớ lại phút giây ấy, bà Hồ Thị Diệp, mẹ của Trần Thanh Nga cho biết, bà hoàn toàn bất ngờ vì khi đặt vé máy bay sang Mỹ, đến khi ngồi trong khuôn viên ngôi trường đào tạo sinh viên đến từ 40 quốc gia trên thế giới, bà cũng không được biết con gái mình là một trong hai gương mặt sinh viên quốc tế xuất sắc nhất toàn khóa 2013, được phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Vài phút cho một bài phát biểu trước toàn thể các giáo sư, giảng viên, sinh viên của một trường đại học danh tiếng của Mỹ đã là thước đo khẳng định bản lĩnh của cô bé. Không chút run rẩy, luống cuống, suốt bài phát biểu, gương mặt của Nga luôn rạng rỡ nụ cười, cô không lệ thuộc vào văn bản, mà nói như đang đọc từ trong suy nghĩ của mình, lôi cuốn người nghe bằng ngữ điệu chuẩn của người bản xứ.
Trần Thanh Nga (mặc áo dài trắng) trong ngày hội quốc tế tại Trường ĐH Union.
Rất nhiều bạn bè đã cảm thấy tự hào với bài phát biểu của Nga tại lễ bế giảng khóa học kinh tế cuối năm 2013: “Tôi luôn có ý thức rằng, lịch sử của hai dân tộc chúng ta gắn bó với nhau sâu sắc theo một cách đặc biệt, vừa là nỗi đau của thế hệ đi trước, nhưng cũng là nguồn hứa hẹn cho thế hệ tương lai, với tinh thần "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Lần đầu tiên tôi biết đến nước Mỹ là qua cuộc chiến tranh mà chúng tôi gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ, còn các bạn gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy vậy, tôi cũng được biết rằng ngài Thomas Jefferson, một trong những vị tổng thống khai sinh ra nước Mỹ đã khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và chính lời tuyên ngôn này được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945… Bốn năm trước, tôi đến đây với tư cách là một học sinh quốc tế đến từ Việt Nam, nhưng hôm nay, tôi ở đây cùng các bạn và chúng ta cùng trở thành những cựu học sinh khóa 2013 của Trường ĐH Union cho đến suốt cuộc đời”...
Học không ngừng để chuẩn bị cho ngày trở về
Đại tá, PGS.TS Trần Văn Luyện, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Tham mưu, thuộc một Tổng cục Bộ Công an, bố Nga, nhắc đến con mình với ánh mắt trìu mến. Ông cho biết, sau lễ tốt nghiệp tại ĐH Union, Nga đã có kế hoạch học tiếp thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế. Tuy nhiên, với tính toán rất thực tế, cháu đã quyết định tìm một công việc làm để có kiến thức thực tế sát với chuyên ngành mình định học tiếp.
Nga và bố mẹ trong dịp về Việt Nam sau Tết 2014 để làm thủ tục sang làm việc cho Tập đoàn KS Accor của Pháp tại Thái Lan.
Với dự định ấy, Nga đã bắt tay vào tìm hiểu một số tập đoàn kinh tế đa quốc gia, có uy tín và đích ngắm của cô là Công ty CBRE Thái Lan, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn bất động sản ở khu vực Đông Nam Á. Nga quan niệm vì mình là người châu Á, làm việc ở Thái Lan, cô sẽ có cơ hội hiểu hơn về kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam. Kế hoạch của Nga được bố Luyện ủng hộ. Thế rồi, cô bé đã có một quyết định mạnh bạo là viết email cho chính vị Chủ tịch của CBRE Thái Lan và cô cũng không ngờ khi nhận email, vị Chủ tịch này đã phúc đáp ngay lập tức và bỏ ngỏ một cơ hội “cứ về đây, nếu cháu thuyết phục được tôi thì sẽ nhận làm”. Coi đây là thử thách đầu tiên cần vượt qua, Nga đã bay từ Mỹ về Việt Nam và trở lại Thái Lan với cuộc điện thoại hẹn với vị Chủ tịch CBRE là “cháu sẽ đến Thái vào ngày mai”.
Trường hợp của Nga là một ngoại lệ chưa từng có trong việc tuyển người của CBRE, đặc biệt lại là vị trí trợ lý cho một vị Chủ tịch nổi tiếng là khó tính. Cho đến khi vào làm, Nga mới được các đồng nghiệp kể lại. Còn ngày chân ướt chân ráo đến Thái Lan, trước khi gặp trực tiếp Chủ tịch công ty, Nga đã phải trải qua hai vòng phỏng vấn của hai vị giám đốc điều hành. Người đầu tiên phỏng vấn bằng tiếng Anh, đã bị Nga chinh phục bằng câu trả lời về khả năng viết bằng tiếng Anh: “Tôi có thể viết tốt hơn người bản ngữ!”. Còn một vị giám đốc điều hành phỏng vấn bằng tiếng Trung thì cũng không biết trước cô bé này từ đâu ra, kết quả báo cáo với Chủ tịch là “sao phải hỏi bằng tiếng Trung vì cô bé này là người Trung Quốc mà”.
Thành thạo ngoại ngữ nhưng ngôn ngữ chính của mình là một lợi thế và điều này cũng là bí quyết được Nga chia sẻ dành cho các du học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài. Đó là một cơ hội để mình học, rèn luyện, quan sát và sống cùng ngôn ngữ của họ. Và như thế thì vì sao mình không học đến cùng, học bằng được cách nói, cách biểu cảm qua ngôn ngữ của họ. Nga cho rằng, đấy không phải là mình để mất đi bản sắc của mình, mà là mình cần phải hội nhập, bản thân Nga vẫn luôn thể hiện mình là người Việt Nam trong các hoạt động xã hội do trường tổ chức. Cô bé vẫn mặc áo dài, vẫn nấu những món ăn đặc trưng của Việt Nam như phở, nem rán để chiêu đãi các bạn sinh viên quốc tế khác.
3 tháng làm trợ lý cho Chủ tịch CBRE Thái Lan, với mức lương 3.000 USD/tháng, Nga cho biết mình đã học được rất nhiều điều từ người đứng đầu của công ty này. Với khả năng viết tốt, Nga đã được vị Chủ tịch khó tính đề nghị ký hợp đồng làm việc lâu dài, ít nhất là 3 năm. Mức lương và cơ hội làm việc tại CBRE là điều kiện khá tốt, tuy nhiên với thời gian làm việc như vậy, Nga sẽ phải bỏ dở kế hoạch học thạc sỹ tại Mỹ và thời gian để trở về làm việc tại Việt Nam sẽ lâu hơn nên cô bé đã quyết định chuyển sang làm cho Tập đoàn khách sạn Accor của Pháp tại Thái Lan, với ý định là học thêm kinh nghiệm thực tế ở một đất nước phát triển du lịch.
Nhãn quan và tư duy của một người theo học chuyên ngành Kinh tế, Nga luôn chịu khó mở rộng quan hệ và tìm hiểu các ứng dụng mới vào sản xuất nông nghiệp. Trong lần được tiếp cận với các giáo sư ngành này, khi biết cô bé là người Việt Nam, một vị giáo sư đã giới thiệu cho cô một sản phẩm phân bón hữu cơ mới được các trường đại học ở Mỹ công nhận, đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép. Nga đã nhanh chóng xin hồ sơ tài liệu về dịch, qua tìm hiểu thì sản phẩm này đã được thị trường Trung Quốc và châu Mỹ Latinh chấp nhận, đưa vào sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian về nghỉ Tết cùng gia đình tại Việt Nam, Nga cũng đã tìm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gặp và trao đổi với các kỹ sư đầu ngành, được mọi người đánh giá cao là loại phân bón cực kỳ tân tiến, chưa có tại Việt Nam.
Trước khi trở lại Thái Lan làm việc vào đầu tuần tháng 3 này, Nga cũng đã kịp hoàn thành thủ tục mở Công ty Thanh Nga ở Việt Nam để tiếp tục ý tưởng này.
Theo Tiin