Liên quan đến dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trong khi UB Tài chính – Ngân sách nêu ý kiến cần cân đối nguồn lực đầu tư, thì Bộ GTVT khẳng định số vốn đầu tư đó là hoàn toàn hợp lý, và phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ còn ít hơn so với các dự án khác.
Theo thông tin trên Zing.vn, thời điểm đầu tháng 10/2016, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ đề án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, có chiều dài 1.372km, tốc độ thiết kế 100-120km/h, các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn có tốc độ thiết kế 60-80km/h.
Toàn tuyến đường có tổng mức đầu tư là 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động là 136.286 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Nhà nước chiếm 40,7%, tương đương 93.534 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại buổi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2010, UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã yêu cầu dự án này báo cáo riêng để Quốc hội xem xét, do có quy mô rất lớn, lại tác động mang tính vùng miền, thông tin từ Dân trí.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Dân trí |
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, dự án đường cao tốc Bắc –Nam tuyến phía Đông cần tính toán dựa trên nguồn lực thực tế, phân kỳ và ưu tiên đầu tư các tuyến đường cần thiết trước.
Sau khi giám sát, cơ qua thẩm tra xác định nguồn vốn đầu tư (đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ) cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2011-2015 chiếm tỷ trọng tương đối lớn, bên cạnh đó phần vốn dự kiến phân bổ giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực này cũng cao hơn so với các lĩnh vực khác, ví dụ như vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp thì chưa đạt mục tiêu đề ra, còn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế thì còn nhiều hạn chế.
Từ những cơ sở thực tiễn trên, UB Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội.
Tuy nhiên, vào ngày 25/10 vừa qua, tại buổi tọa đàm “Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc – Nam” ông Nguyễn Duy Lâm – Phó vụ trưởng vụ kế hoạch đầu tư Bộ GTVT lại có ý kiến cho rằng, liên quan đến quy mô đầu tư sẽ dựa vào quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định 326, từ đó để đảm bảo khả năng huy dộng vốn và có phương án đầu tư hiệu quả Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất 3 phương án phân kỳ đầu tư.
Cụ thể, theo thông tin báo Một thế giới đưa tin, phương án đầu tư thứ nhất là theo quy mô tối thiếu 4 làn xe hạn chế và giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô hoàn chỉnh. Phương án thứ hai: đầu tư theo quy mô tối thiếu 4 làn xe hạn chế và GPMB theo quy mô hạn chế. Cuối cùng, phương án thứ 3 là đầu tư theo quy mô quy hoạch. Sau khi tính toán nhận thấy phương án 1 có chi phí thấp hơn khoảng 55.000 tỷ đồng nên sẽ tiến hành thi công theo phương án này.
Bên cạnh đó Thứ trưởng Nhật cũng cho biết, so với các dự án cao tốc trước đó có vốn ngân sách khoảng 52,8%, thì dự án lần này vốn ngân sách hỗ trợ chỉ khoảng 40,7%, giảm đáng kể so với trước. Nếu ngân sách hỗ trợ 40,7% này thì việc kêu gọi vốn ngoài ngân sách còn lại có thể thực hiện được, Thứ trưởng khẳng định.
Lê Khánh (tổng hợp)