Tin mới

Có phải rọ mõm chó khi đưa ra phố đi bộ hay không?

Thứ ba, 18/10/2016, 08:54 (GMT+7)

Theo luật sư, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, nếu khi ra ngoài đường chó không nhốt trong chuồng, cũi thì bắt buộc phải đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Theo luật sư, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, nếu khi ra ngoài đường chó không nhốt trong chuồng, cũi thì bắt buộc phải đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Thời gian gần đây, cư dân mạng xôn xao lo lắng về hình ảnh những chú chó không rọ mõm thoải mái chạy khắp nơi trên phố đi bộ quanh hồ Gươm, Hoàn Kiếm, Hà Nội -  nơi tập trung đông người, đặc biệt có cả trẻ nhỏ; người già.

Câu hỏi được đặt ra là pháp luật có quy định về những biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi đưa những chú chó đến nơi công cộng hay không?

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Quách Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Luật Thanh Thiên Trường cho biết: "Việc đeo rọ mõm cho chó khi ra đường hướng đến mục đích đảm bảo an toàn cho người dân nơi công cộng cũng như phòng, chống bệnh dại".

Tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật có quy định: "Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt ".

Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Bảo - giảng viên môn Luật Hiến Pháp trường Đại học Luật Hà Nội giải thích: "Từ hoặc được hiểu là chỉ cần một trong hai điều kiện".

Theo đó, có thể hiểu nội dung của Khoản 2 Điều 6 Nghị định 05/2007/NĐ-CP quy định khi đưa chó ra ngoài nơi đông dân cư, khu đô thị thì phải nhốt chó, giữ chó trong chuồng, cũi. Nếu không, phải có rọ mõm và có người dắt chó để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Những hình ảnh dắt chó đi dạo không rọ mõm được chia sẻ trên mạng xã hội - Vietnamnet

Bên cạnh đó, trên tinh thần của Nghị định 05/2007/NĐ-CP, ngày 04/08/2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Theo đó, tại điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư này quy định:“ c) Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng”.

"Như vậy, thông tư này quy định rõ trường hợp cần rọ mõm chỉ áp dụng đối với những con chó dữ. Tuy nhiên, hiện thông tư này đã được thay thế bằng thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT" - luật sư Thủy nhấn mạnh.

Nội dung thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, trong đó có quy định: “Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt” (Điểm b mục 2.1 Khoản 2 Phụ lục 15).

Luật sư Thủy cho rằng: "Theo quy định tại Thông tư này thì người nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng hoặc phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt."

Với nghĩa của từ "hoặc" có thể hiểu thông tư trên quy định khi đưa chó ra nơi công cộng, việc đảm bảo an toàn cho người xung quanh có thể được lựa chọn một trong hai biện pháp: đeo rọ mõm; nếu không phải xích giữ và có người dắt.

So sánh giữa nội dung quy định của Nghị định 05/2007/NĐ-CP và thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT có thể thấy có sự không thống nhất giữa hai văn bản. Cụ thể, Nghị định quy định "phải rọ mõm chó kể cả khi có người dắt nếu không phải nhốt trong chuồng, cũi". Ngược lại trong Thông tư quy định "nếu xích giữ và có người dắt chó thì không phải đeo rọ mõm".

Áp dụng quy định của Nghị định hay Thông tư?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thị Thu Thủy cho hay: "Để xét về thứ tự ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật cần căn cứ vào Khoản 2 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008".

Cụ thể: "2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”

"Giữa Nghị định và Thông tư thì Nghị định có hiệu lực pháp lý cao hơn nên nếu cùng một vấn đề nhưng Nghị định và Thông tư hướng dẫn lại có quy định khác nhau thì phải áp dụng quy định của Nghị định. Do vậy, với trường hợp trên khi có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định 05/2007/NĐ-CP và Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT thì phải áp dụng quy định Nghị định 05/2007/NĐ-CP." - luật sư Thủy nói

Đồng quan điểm, giảng viên Phạm Đức Bảo cho rằng: "Về nguyên tắc thì Nghị định của Chính phủ có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư hướng dẫn của Bộ nên phải theo nghị định."

Điều đó có nghĩa là căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, nếu khi ra ngoài đường chó không nhốt trong chuồng, cũi thì bắt buộc phải đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Trung Khánh

        

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: chó dữ