Tin mới

Có tiền tỷ vẫn than nghèo kể khổ để đi nhận hỗ trợ

Thứ hai, 20/04/2020, 16:13 (GMT+7)

Một số bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trong dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người xúc động không cầm nước nước mắt thương cảm. Tuy nhiên, sau khi bài báo đăng lên, đã nhận được nhiều phản hồi từ người dân bức xúc phản ánh về việc, những nhân vật khó khăn, than nghèo kể khổ và đi nhận tiền hỗ trợ... trong bài báo lại là những người ở nhà cao cửa rộng, có tiền tỉ...

Những hoàn cảnh khiến bạn đọc rơi nước mắt

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam khiến Chính phủ phải quyết định cách ly xã hội để phòng chống dịch. Trong những thời điểm đó, rất nhiều gia đình, người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn thực sự do không có việc làm.

Ngôi nhà gia đình bà Th (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) đã ở

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và nhiều nhà hảo tâm đã chung tay phân phát lương thực, thực phẩm và một số đồ dùng thiết yếu để những người có hoàn cảnh khó khăn thực sự đến lấy miễn phí.

Tại các điểm phân phát thực phẩm miễn phí, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tỏ ra xúc động vì đã được giúp đỡ vượt qua khó khăn theo. Tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã lan rộng và được hưởng ứng nhiệt tình. Người có điều kiện thì mang thực phẩm, tiền bạc đến để mua lương thực cho những người nghèo khó.

Bên trong nhà bà Th (ở phường Quan Hoa) được xây dựng khang trang

Tuy nhiên, tại một số điểm phân phát lương thực miễn phí, số ít người có hoàn cảnh không thực sự khó khăn nhưng vẫn đến lấy khiến người dân bức xúc. Điều đáng nói, có những người đến lấy còn lên báo kêu than, kể nghèo khổ khiến Cộng đồng mạng thương cảm, rơi nước mắt.

“Rớt nước mắt nghe ông lão 70 tuổi kể chuyện đi mua hàng 0 đồng ở siêu thị hạnh phúc” là tít một bài báo viết về hoàn cảnh của ông Nguyễn Hữu K (trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội).

Ông K chia sẻ, trước ông là công nhân nghỉ cũng đã lâu, dù tuổi cao nhưng ông vẫn còn sức khỏe, mọi ngày vẫn đi làm để kiếm tiền. Từ ngày dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, ông K không xin được việc làm nữa, đồ ăn trong nhà đã hết nên phải lên đây xếp hàng để được mua đồ miễn phí.

Ông chia sẻ việc mua hàng trong niềm vui khôn tả vì nay mai nhà ông không lo đói nữa nhưng khi ông nói về hoàn cảnh, người nghe không khỏi nghẹn lòng xót xa...

"Tối hôm qua, trong nhà tôi còn đúng một bát gạo. Nếu hôm nay không đến đây, không có những đồ ăn này, chắc tôi phải cầm tạm chiếc điện thoại này lấy vài trăm nghìn đi mua vài cân gạo và ít lạc về ăn mấy bữa”, ông K nói.

Hay trường hợp bà Đàm Thị T (76 tuổi, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trên báo rằng đi bộ 5km để đến điểm phát gạo miễn phí. Bà nói rằng đang sống cùng cháu gái. Bố mất, mẹ bỏ đi, người cháu gái được bà T chăm bẵm từ ngày còn đỏ hỏn. Cháu bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm hai bà cháu nương tựa vào nhau.

Học xong cấp ba, cháu bà T không thi đại học, xin đi làm bánh thuê. Người ta trả công 3 triệu đồng/tháng. Trước đây, khi tay chân còn khỏe, bà thường đi chợ bán mớ rau, nải chuối, nay bệnh khớp triền miên cộng với tuổi già, bà phải nghỉ chợ.

“Dịch bệnh người ta cấm không cho bán hàng, cháu nó nghỉ làm 2 tháng nay. Cháu không kiếm ra tiền, mà bà thì già rồi”, bà T bộc bạch trên một tờ báo.

Trường hợp bà Nguyễn Thị N (66 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được bài báo miêu tả cũng đi bộ 5km tay run run ôm lấy túi gạo mới nhận, luống cuống che mưa, sợ gạo ướt mất được đăng lên báo khiến bao người xúc động.

Bà này chia sẻ, chồng mất, nay mình bà bươn chải giữa đời nuôi con trai bị tâm thần. Trước dịch bà còn chạy chợ bán mớ rau, đi rửa bát thuê, mỗi ngày kiếm thêm dăm ba chục. Từ ngày dịch bệnh, hai mẹ con rau cháo qua ngày trong căn nhà cấp bốn tuyềnh toàng. Thứ đáng giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc tivi màn hình lồi với chiếc nồi cơm điện được mọi người gom góp mua cho.

“Tôi đi bán chục mớ rau nhưng có ngày bán không hết. Có bữa mệt quá ngủ thiếp đi trên đường, có người đi chụp hình đăng tôi lên mạng, người ta thương đến mua cho”, bà Ng bộc bạch.

Ngay tại trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn như bà Y, bà L… trú tại phường Lý Thải Tổ cũng được các báo viết có hoàn cảnh rất khó khăn khiến người đọc thương cảm.

Sự thật phía sau những hoàn cảnh đáng thương

Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội đã lên tiếng, phản ánh về các trường hợp khó khăn mà bài báo nêu là chưa đúng sự thật. Một số nhân vật trong bài gia đình còn thuộc diện khá giả...

Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với chính quyền địa phương để xác minh về các trường hợp trên. Có một sự thật khác chưa được đăng lên báo.

Về trường hợp ông Nguyễn Hữu K (trú ở phường Phú Lãm, quận Hà Đông). Chứng minh thư của ông K ghi ông sinh năm 1956 (64 tuổi chứ không phải 70 như bài báo nêu).

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND phương Phú Lãm cho biết, ông K về phường ở từ tháng 3/2019 nhưng không khai báo. Hiện ông K ở một mình, có nhà cửa tương đối đàng hoàng (ông K nói mua 400 triệu đồng) không khó khăn như một tờ báo nêu. Trong thời điểm cách ly xã hội, phường có hỗ trợ ông K trong lúc khó khăn.

“Trên địa bàn phường cũng có nhiều cây ATM gạo để ông K có thể đến lấy. Phường cũng thường xuyên thông báo trên loa để những người khó khăn biết các địa điểm trên. Khi một số báo đăng về trường hợp của ông K, cán bộ phường cũng hỏi ông có nắm được các điểm phát hỗ trợ không? Ông K nói có biết. Việc ông K nói trên báo như thế làm anh em ở phường cũng thấy chạnh lòng”, ông Cường cho biết.

Còn về trường hợp bà Nguyễn Thị N (trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) theo báo cáo của Đảng ủy phường Cổ Nhuế 2, bà N trước đây là hộ nghèo. Năm 2015, bà N được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ phường và các nhà hảo tâm đã tiến hành sửa chữa nhà với số tiền 65 triệu đồng.

Cùng với đó, từ năm 2018 đến nay, mỗi tháng bà nhận được 1 triệu đồng từ nhà hảo tâm. Bà N cũng được phường thăm, tặng quà và hỗ trợ đầy đủ mỗi dịp lễ Tết. Bà N hiện không còn là hộ nghèo vì có 1 người con đang trong độ tuổi lao động bình thường (SN 1982) và 1 người con gái lấy chồng tại Thái Nguyên.

Trong đợt dịch Covid-19, chính quyền phường cùng với các đoàn thể, nhà hảo tâm đã nhiều lần tặng gạo và tiền cho bà N (mỗi lần hàng chục kg gạo và tiền). Trong thời gian tới, phường Cổ Nhuế 2 sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ gia đình bà N.

Còn trường hợp bà Đàm Thị T (76 tuổi, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường cho biết, bà T hiện tại đang ở cùng cháu nội (SN 2001 đã đi làm). Cạnh nhà bà T là nhà con trai.

Nhà bà T đang ở là nhà bê tông cốt thép cao 3,5 tầng, mặt sàn rộng khoảng 30m2 và cho thuê tầng 3. Vật dụng trong nhà bà T có đầy đủ ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, bếp từ, bình nóng lạnh…

Hiện tại bà T không còn bán rau nữa, sống bằng tiền tiết kiệm bán đất khoảng 3 năm nay. Trong nhiều đợt bình xét của các ban, ngành, đoàn thể, khu dân cư đều không đưa bà T vào diện đề nghị phường hỗ trợ hằng năm cũng như trong đợt dịch Covid -19. Bà T có tiền tỷ tiền tiết kiệm.

Còn ông Phạm Văn Động, tổ trưởng tổ 9, phường Quan Hoa (nơi bà T đang sinh sống) cho biết, bà T nhiều lần bán đất để xây nhà và gửi tiết kiệm. Hiện bà đang ở cùng cháu gái. Hoàn cảnh bà T không hề khó khăn như một số báo đưa.

Đối với các trường hợp bà L, bà Y… tại phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm), UBND phường Lý Thái Tổ đã nhiều lần tặng thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác (mỗi lần tặng giá trị giá vài trăm nghìn đồng).

Trường hợp bà Nguyễn Thị Kim P, 81 tuổi, nhà ở ngõ 63 Bà Triệu (phường Lê Đại Hành) là hộ nghèo của phường. Bà P có vấn đề về tâm thần, ở một mình, không có con cái, người thân. Hàng ngày đi lang thang nhặt rác về chất ở nhà, chứ không phải là phế liệu, vì vậy không ai mua. Hiện bà P đang rao bán nhà, có người mua trả 11 tỷ đồng nhưng bà chưa bán... Chính quyền phường thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thường xuyên.

Trong lúc toàn xã hội đang khó khăn, bên cạnh gói cứu trợ của Chính phủ, của chính quyền thành phố Hà Nội, không ít cá nhân, tổ chức đã chung tay hỗ trợ những người khó khăn hơn. Những điểm phát gạo, mỳ tôm, trứng, dầu ăn... hay chỉ đơn giản là cái bánh mỳ, hộp sữa ủng hộ những người khó khăn cũng thật nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận bất bình trước việc một số người gia đình khá giả, không đến mức khó khăn cũng đến các điểm lấy hàng Từ thiện; hay một số người khó khăn đã được chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ nhưng vẫn lên một số cơ quan báo chí kể đói khổ, không có thức ăn... Thiết nghĩ, những hình ảnh xấu này, cần phải lên án.

Mặt khác, một số phóng viên khi đi tác nghiệp, cũng cần phải khách quan, xác minh cụ thể từ phía cơ quan chức năng, người dân khu phố... có như vậy thì những phần quà ý nghĩa mới đến được tay người khó khăn thật sự.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news