Tin mới

"Coi nhẹ" môn Lịch sử: Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng

Thứ tư, 11/11/2015, 09:12 (GMT+7)

Liên quan đến việc tích hợp môn Lịch sử, Quốc phòng – An ninh và Giáo dục công dân thành môn Công dân với Tổ quốc khiến nhiều người cho rằng môn Lịch sử đang bị coi nhẹ. Trước vấn đề trên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có những giải thích cụ thể.

Liên quan đến việc tích hợp môn Lịch sử, Quốc phòng – An ninh và Giáo dục công dân thành môn Công dân với Tổ quốc khiến nhiều người cho rằng môn Lịch sử đang bị coi nhẹ. Trước vấn đề trên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có những giải thích cụ thể.

Trả lời phỏng vấn trên Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: "Việc bố trí các nội dung giáo dục trong chương trình phải được xem xét trong tổng thể của toàn bộ chương trình và điều kiện của giáo dục, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục."

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: Dân trí

Môn Công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc, tuy không có hai tên gọi Quốc phòng – An Ninh (QP-AN) và Lịch sử nhưng tất cả học sinh đều phải học QP-AN theo quy định của Luật GD Quốc phòng - An ninh và tất cả học sinh THPT đều bắt buộc phải học lịch sử.

Thứ trưởng Vinh cũng cho biết, qua rút kinh nghiệm của chương trình phổ thông hiện hành và thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là phải tăng cường giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học thay cho việc chỉ chú trọng trang bị kiến thức. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là kiến thức phải lồng ghép, tích hợp thế nào để giảm bớt số môn học bắt buộc ở các cấp học.tích hợp nội dung GD QP-AN với GD đạo đức - công dân và GD Lịch sử thành môn Công dân với Tổ quốc chính là thực hiện yêu cầu đó. Việc tích hợp này không phải là coi nhẹ các nội dung giáo dục truyền thống mà là cấu trúc lại cho phù hợp yêu cầu mới, để tổ chức thực hiện có chất lượng và hiệu quả hơn.

Trước ý kiến cho rằng môn Lịch sử bị coi nhẹ hơn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Sắp tới nêu chương trình mới được thông qua thì học sinh học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong Khoa học Xã hội có hai phân môn với 3 tiết, nghĩa là Lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết. 

Như vậy học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới. Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết).

Trước đó, trên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD&ĐT không bỏ môn Lịch sử.

Theo Thứ trưởng, để khắc phục những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành như nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, kiến thức chồng chéo giữa các môn học; thiết kế của chương trình mới ở bậc tiểu học, THCS sẽ hình thành các môn học mới được tích hợp từ một số môn học truyền thống, có nội dung liên quan, gần nhau như các môn tìm hiểu khoa học tự nhiên, tìm hiểu khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội...

Thiết kế này đã gây hiểu nhầm, khiến dư luận cho rằng Bộ GD-ĐT bỏ môn lịch sử vốn là môn học “không thể xếp vào hàng môn phụ”.

Theo Thứ trưởng Hiển, không có việc bỏ môn lịch sử. Ở các bậc học dưới, kiến thức lịch sử tích hợp trong các môn học mới. Ở bậc THPT, sẽ bao gồm các môn học bắt buộc và tự chọn. Tùy định hướng nghề nghiệp, học sinh có thể lựa chọn một trong hai môn lịch sử hoặc khoa học xã hội.

"Tôi khẳng định Bộ GD-ĐT không bỏ môn lịch sử, cũng không coi nhẹ môn lịch sử khi xây dựng môn học mới. Cùng với việc cấu trúc lại hệ thống môn học, trong đó có giáo dục lịch sử, sẽ có những điều chỉnh cả về nội dung chương trình, định hướng dạy học để học sinh thật sự muốn học và học có hiệu quả hơn môn lịch sử", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news