David Dương- ông chủ bãi rác Đa Phước đã có một thời gian dài vật lộn làm giàu trên đất Mỹ. Trải qua nhiều khó khăn, hiện ông đang là một doanh nhân có tầm ảnh hưởng trên thương trường trong và ngoài nước.
Liên quan đến nghi vấn bãi rác Đa Phước tại khu vực phía Nam Sài Gòn là nguyên nhân phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, chính ông chủ khu xử lý rác thải này cũng đã lên tiếng và phối hợp với các bên để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Ông David Dương (mặc vest đen) giới thiệu bãi rác Đa Phước với ông Lê Thành Ân (tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM). Ảnh: VWS |
Theo VnExpress, Vietnamnet được biết, ông chủ bãi rác Đa Phước là ông David Dương - Tổng giám đốc CTCP xử lý chất thải Việt Nam Long An (VWS), đơn vị trực tiếp vận hành khu xử lý chất thải Đa Phước. Tên thật của ông là Dương Tử Trung, con trai ông Dương Tài Thu. Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, gia đình ông Dương Tài Thu là chủ hãng giầy Cogido nổi tiếng một thời. Cuối những năm 80, cả gia đình ông chuyển sang định cư tại San Francisco.
Công việc làm thêm ban đầu của gia đình ông Dương khi sang Mỹ là đi nhặt rác. Dần dần công việc mở rộng, gia đình ông quyết định mua lại một chiếc xe tải cũ trả góp làm phương tiện đi thu gom rác thải trong thành phố.
Nhờ kiên nhẫn, chịu khó gia đình ông cứ ngày qua ngày rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm trong thành phố. Sau một thời gian có chút vốn liếng ông đầu tư thêm những chiếc xe để mở rộng phạm vi thu gom rác. Cứ thế công việc của gia đình ông ngày càng phát triển.
Hoạt động kinh doanh tại công ty CWS, Mỹ của ông David Dương. Ảnh: San Joe Inside |
Năm 1983, ông Dương Tài Thu quyết định thành lập công ty Cogido Paper Corporation và giao cho con trai trưởng – David Dương làm giám đốc. Từ đó ông David Dương bắt đầu gánh trọng trách, bước chân vào xây dựng cơ nghiệp trên thương trường.
Sang năm 1989, một bước ngoặt lớn đến với công ty thu gom rác thải gia đình David Dương. Thấy công ty Cogido Paper Corporation ăn nên làm ra, một số công ty trong thành phố đã để mắt đến. Họ đưa ra đề nghị mua lại công ty với giá vài triệu USD.
Khởi nghiệp chỉ với 700 USD, nay lại có công ty mời bán với mức giá vài triệu USD nên gia đình ông Dương nhanh chóng đồng ý với thương vụ mua bán này. Giao dịch diễn ra với những điều khoản: công ty mua lại sẽ trả một phần và nợ lại 2 triệu USD trả dần với điều kiện David Dương ở lại công ty và làm giám đốc cùng người em trai và người chú làm việc trong 5 năm để thu hồi số nợ.
Nhưng chỉ mới được 1 năm, người chủ mới đã có ý đuổi cả 3 chú cháu nhà họ Dương ra khỏi công ty. Bị đối xử quá tệ, em trai và chú của David Dương kiên quyết xin nghỉ việc, chỉ còn lại ông David Dương vẫn quyết định ở lại chấp nhận khổ cực để có được chút lương kiếm tiền thuê luật sư, phục hồi lại cơ nghiệp của gia đình.
Tuy nhiên, sau một thời gian khi ông David Dương nghỉ việc kèm điều kiện chủ doanh nghiệp này phải trả hết số tiền nợ, thì gia đình ông chỉ nhận lại được 25% tổng số tiền còn nợ và một số thiết bị đã cũ. Nhưng thật không may cho gia đình ông, 3 nhà kho chứa số máy móc cũ vừa mới tiếp nhận ấy đã bốc hỏa vì tàn thuốc lá của người vô gia cư. Mọi thứ dường như kết thúc.
Ông Dương cùng các cộng sự ăn mừng sau khi trúng gói thầu trị giá 2,7 tỷ USD. |
Trải qua nhiều khó khăn nhưng ông không chịu thua số phận và vẫn cố gắng gắn bó cùng nghề. Đầu năm 1991, ông thành lập công ty CWS và giành được gói thầu đầu tiên về thu gom rác thải cho một nửa thành phố Oakland, gói thầu này trị giá vài chục triệu USD. Tiếp đó, vào năm 2006 công ty ông trúng gói thầu thứ 2 trị giá vài trăm triệu USD tại thành phố San Jore, đối thủ lần này ông đánh bại là công ty Norcal Waste Systems - đứng thứ 4 nước Mỹ trong ngành môi trường, theo thông tin từ Oakland Tribune.
Không dừng lại tại đó, David Dương càng phát triển kinh doanh cho công ty CWS. Hiện CWS có mặt tại 8 thành phố của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải, vận hàng các nhà máy tái chế rác thải… Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên khắp thị trường Mỹ và quốc tế.
Theo ước tính, CWS ra đời, cung cấp việc làm cho khoảng 300 người, phần lớn là người gốc Việt, và dần trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty hoạt động trong lãnh vực này.
Hoài An (tổng hợp)