GS Ngô Bảo Châu - vị GS từng đạt huy chương Fields - giải thưởng danh giá về Toán học- tiết lộ, đã có lần ông bắt gặp con gái chui vào gầm bàn, trong góc tối nhất, vì Toán...
Con gái GS Toán học chui gầm bàn vì... Toán
Mẩu chuyện trên được GS Ngô Bảo Châu chia sẻ trong một buổi tọa đàm về Giáo dục cùng một nhà toán học từng đạt huy chương Fields khác - GS Cédric Villani- và các học sinh.
Tiết lộ kỷ niệm đặc biệt với con gái, GS Ngô Bảo Châu kể: "Tôi nghĩ rằng, tất cả những nghiên cứu, đam mê của mình đều làm con gái sợ. Con gái vừa bước sang sinh nhật thứ 20 từng chui vào gầm bàn, trong một góc tối nhất, trả lời tôi trong bộ dạng ngơ ngác: Con đang học Toán".
GS Châu nói: "Tôi đang cố gắng điều chỉnh, hướng con gái thứ ba học Toán, không biết có thành công không".
GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani |
Vị giáo sư rất được các bạn trẻ ngưỡng mộ cũng chia sẻ, khi là một người con, ông cũng gặp khó khăn khi học toán với bố: "Bố tôi chỉ cố gắng dạy toán cho tôi có một lần, và tôi thấy không hiệu quả lắm. Khi đó, ông cho tôi một đề toán và yêu cầu tìm cách giải. Tôi trình bày nhưng bố không hiểu lời giải của tôi. Sau khoảng 10 phút, tôi thấy khá khó chịu và nói rằng không hiểu bố định làm gì. Và từ đó ông không dạy toán cho tôi nữa".
Chia sẻ về quá trình gắn bó với môn Toán của mình từ thời học sinh, GS Ngô Bảo Châu tâm sự, ông là người may mắn khi học cấp hai trong môi trường giáo dục có nhiều giáo viên giỏi. Tuy nhiên, quá trình học tập của ông cũng từng gặp phải "biến cố".
Năm 11 tuổi, GS Ngô Bảo Châu nhận ra rằng, ông đã trưởng thành từ lòng tự ái bị thách thức. Đó là khi thi trượt lớp chuyên Toán, ông không muốn gặp lại giáo viên của mình. Đối diện thách thức đã khiến ông yêu thích Toán hơn.
"Tương lai sẽ nằm trong tay những người hiểu về Toán”
Nói về sự hấp dẫn của Toán học, GS Châu kể, khi bước vào thế giới nghiên cứu Toán, GS Ngô Bảo Châu thích thú như ở trong thế giới của riêng mình, giống như viết một tác phẩm văn học, tạo ra những nhân tố trong một bài toán và giúp họ tương tác với nhau. Bản thân GS ngạc nhiên khi những yếu tố đó phát triển nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. Đó là sự hấp dẫn của Toán học.
Theo GS Châu, để học sinh thích học Toán, cần đưa vấn đề khó hơn một chút giúp các em cố gắng hơn với những bài toán sau. Giải pháp thần kỳ của GS Ngô Bảo Châu là làm những vấn đề mình thực sự yêu thích và nỗ lực hết mình, bởi những gì tốt đẹp đều không dễ dàng đạt được.
Kể về kinh nghiệm của bản thân, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Quan sát đầu tiên khiến tôi thích toán là hình học”. “Khi có thời gian rỗi, tôi đều làm các bài toán về hình để chứng minh định lý. Và tôi thích làm càng nhiều bài toán càng tốt, giống như chơi thể thao. Một định lý mà tôi cho rằng là hay nhất tôi từng được học trên lớp là vào năm tôi 13 tuổi” - ông kể.
Nhưng quan trọng hơn, không chỉ với môn Toán mà còn với nhiều môn học khác, đó là việc gắn việc học của học sinh với thực tiễn.
Kể về một cuộc thi về Toán học mà GS Châu làm giám khảo, ông nói: "Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn kết quả của những học sinh cực kỳ giỏi Toán, nhưng chỉ chú ý đến khía cạnh của môn này mà không quan tâm vấn đề đặt ra ở đề bài. Ví dụ, với bài toán làm thế nào để tưới cây, học sinh không giỏi Toán sẽ tiếp cận dưới góc nhìn đơn giản và hay, đó là phải tiết kiệm nước"...
Đặt ra vấn đề vai trò của môn Toán đối với đời sống, GS Châu cho rằng: "Chúng ta đang đứng trước thay đổi lớn của xã hội và năng lực của chúng ta cũng đang thay đổi. Tương lai sẽ nằm trong tay những người hiểu về Toán”.
“Chúng ta là con người, cũng có những bản năng, nhiều khi không cần toán cũng hiểu vấn đề. Nhưng với những tiến bộ khoa học như hiện nay, chúng ta có phương tiện để hiểu rõ ràng về xã hội, tự nhiên, hơn rất nhiều nếu so với bản năng hiểu khi chưa có những công cụ đó".
Lê Thanh