Một em bé 2 tháng tuổi vừa phải nhập viện phẫu thuật kết nối lại dây thần kinh, mạch máu khi tay chân có ngấn như mập ú. Nếu không phẫu thuật sớm thì có thể phải cắt bỏ tay chân.
Trẻ 2 tháng tuổi có tới 12 ngấn sâu trên người, bác sĩ nói không phẫu thuật sớm sẽ phải cắt bỏ tay chân
Bác sĩ sản khoa nói rằng đây là một căn bệnh hiếm gặp, được gọi là 'hội chứng dây màng ối tổng hợp' hay là bệnh dải sợi màng ối. Nếu nó phát triển ở đâu, thì vùng tay chân ở đó sẽ bị thu nhỏ hoặc thắt chặt lại, hậu quả cuối cùng có thể phải đối mặt với việc cắt cụt, rất khủng khiếp.
Trường hợp em bé này trước khi sinh, siêu âm đã thấy trên chân có 3 vòng ngấn, nhưng sau khi sinh thì toàn thân có tới 12 vòng ngấn chia rải đều trên cả tay và chân.
Để tránh khỏi tình trạng bị cắt tay, bệnh nhi hơn 2 tháng tuổi này được chỉ định đưa vào phòng phẫu thuật, trở thành bệnh nhân phẫu thuật nhỏ tuổi nhất ở Bệnh viện Trung tâm Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc.
Trước đó, em bé nặng 4,5kg mũm mĩm chào đời trong sự chờ đợi của gia đình, bé Thành Thành được bố mình là anh Vương bồng trên tay sau khi sinh. Lúc này, gia đình anh đã phát hiện ra trên chân bé có tới 3 cái ngấn sâu, giống như ai đó buộc cái vòng chun thắt lại trên tay chân vậy.
Bệnh này, các bác sĩ ở tỉnh chưa từng nhìn thấy, vừa mới ra đời chỉ một vài ngày, đã phải bước vào con đường tìm bác sĩ cứu chữa
Bệnh dải sợi màng ối có tên khoa học tạm dịch là "Hội chứng dải sợi màng ối tổng hợp", hay là hội chứng bệnh bị vòng dây màng ối quấn bẩm sinh. Đây là kiểu một phần dây màng ối bị rách ra, tạo thành những sợi dây và bó buộc chặt vào cơ thể , khiến cho cơ thể thai nhi bị dính vào, bị thít chặt lại dần theo thời gian, về sau sẽ sinh ra dị tật.
Những phần cơ thể xuất hiện triệu chứng này nhiều nhất chủ yếu là ở đầu, thân và tay chân. Hình dạng bệnh cũng xuất hiện ở những mức độ khác nhau, có trẻ bị ở tay, chân hoặc ngón tay, nhưng cũng có trẻ bị toàn thân với nhiều hình dạng phức tạp.
Sau nghi nghe bác sĩ trao đổi về tình trạng bệnh, cả gia đình anh Vương lo sợ đến run cả tay chân, vội vàng đưa Thành Thành nhanh chóng lên Hàng Châu, tìm kiếm bác sĩ giỏi khắp nơi để cầu cứu.
Nhớ lại thời điểm đó, anh Vương cho biết, con trai anh khi đó chưa đầy tháng, đã đến nhập viện ở các bệnh viện lớn nhất trong tỉnh, một số bác sĩ ở đó thậm chí còn chưa từng nghe tới tên căn bệnh này.
Sau đó, có một bác sĩ ở một bệnh viện tỉnh nói rằng, bệnh này không sao, cứ cho cháu xuất viện về nhà.
Mang trong lòng tâm trạng lo lắng thấp thỏm trở về Nghĩa Ô, ông nội của Thành Thành phát hiện ra những vòng ngấn của cháu mình mỗi ngày một chuyển sang màu tím thâm.
Nghe người bạn là bác sĩ giới thiệu, anh Vương đã liên hệ được với một giáo sư chuyên về bệnh dị tật tay chân chỉnh hình đặc biệt có uy tín, đó là giáo sư Phương Hữu Sinh ở Bệnh viên Hoa Sơn, Thượng Hải (TQ).
Giáo sư Phương giới thiệu, gia đình anh Vương cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ Châu Dương, Phó Trưởng khoa Tay chân ngoại khoa, Bệnh viện Trung tâm Thành phố Nghĩa Ô để sắp xếp phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Anh Vương toát cả mồ hôi lạnh, cuối cùng cũng đã tìm ra giải pháp, thật may mắn là đã liên hệ được với một giáo sư đầu ngành, sau này mới hiểu ra rằng, cả nước (TQ) mới chỉ có khoảng hơn 10 ca phẫu thuật trực tiếp về căn bệnh này, trong đó giáo sư Phương được xem là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này, kinh nghiệm phẫu thuật rất lành nghề.
Trẻ nhỏ tuổi như vậy, nguy cơ trong phẫu thuật sẽ lớn thế nào? Đây là ca bệnh tiến thoái lưỡng nan đối với bác sĩ
Ngay từ khi lần đầu nhìn thấy bé Thành, trước mắt bác sĩ Châu Dương đã xuất hiện rất nhiều câu hỏi với những đáp án không dễ trả lời.
Lần đầu tiên em bé đến viện là khi còn chưa đầy tháng, có 3 vòng ngấn ở chân bị siết chặt từ trong bào thai thì rất khó để khôi phục lại. Bây giờ trên tay chân có tất cả 12 vòng ngấn, ở 2 tay là nhiều nhất, trong đó có 1 ngấn nghiêm trọng nhất là ở bắp chân trái.
Một khi phát hiện ra bệnh, là cần phải tìm giải pháp "tháo vòng" cho trẻ càng nhanh càng tốt, nhanh chóng khôi phục sự lưu thông các mạch máu để tránh cho các vùng bị vòng thắt gây ra hoại tử.
Tình hình của bé Thành, nếu không kịp thời phẫu thuật sớm, trong khi xương và cơ đều đang trên đà phát triển, mà vòng thắt càng ngày càng co chặt lại, thì sẽ tạo ra chứng thiếu máu cục bộ vùng ngấn, dẫn đến hoại tử, teo cơ. Nếu phẫu thuật muộn quá thì sẽ buộc phải cắt bỏ tứ chi.
Bên cạnh đó, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ trong khi tiến hành phẫu thuật càng lớn, cũng có những nguy hiểm nhất định.
Bác sĩ Châu Dương nói, ông đã từng phẫu thuật cho những bệnh nhân trên 100 tuổi, nhưng chưa bao giờ phẫu thuật cho bệnh nhi mới chỉ 2 tháng tuổi như bé Thành.
Cuộc phẫu thuật này cần đến sự gây mê toàn thân. Trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu đời còn chưa phát triển toàn diện, các chức năng tim phổi chưa hoàn thiện, kỹ thuật gây mê đòi hỏi độ khó rất cao, nguy cơ xảy ra khi phẫu thuật cũng rất cao.
Vì thế đa số các bệnh nhi, dù mắc bệnh bẩm sinh thì đa số đều được đề nghị đủ 6 tháng tuổi trở lên mới nên tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, bệnh về dải sợi màng ối nghiêm trọng này lại được xem là bệnh bẩm sinh cần "cấp cứu khẩn cấp", tiến hành phẫu thuật điều trị phải chạy đua với thời gian.
Sau khi trải qua các cân nhắc và chẩn đoán tổng hợp, giáo sư Phương và bác sĩ Châu Dương quyết định chờ cho bé Thành đủ tròn 2 tháng tuổi. Đầu tiên sẽ tiến hành phẫu thuật tại vòng ngấn nghiêm trọng nhất ở trên bắp chân trái, nhằm tránh cho bệnh trở nên ác tính hóa.
Sau đó, chờ cho đến khi bé đủ 6 tháng tuổi, cơ thể phát triển hoàn thiện hơn một chút sẽ tiếp tục tiến hành phẫu thuật ở các bộ phận khác. Nếu tình hình diễn ra thuận lợi, trải qua khoảng 3 lần phẫu thuật, hy vọng trong vòng 1 năm, bé Thành sẽ hồi phục cơ thể trở lại trong trạng thái bình thường.
Bé Thành là bệnh nhân nhí nhỏ tuổi nhất từng được phẫu thuật lại bệnh viện của chúng tôi, dây thần kinh và mạch máu bị nén tới mức mỏng lại như tờ giấy.
Thời gian phẫu thuật được tiến hành lúc bé Thành đúng tròn 2 tháng tuổi, do giáo sư Phương Hữu Sinh trực tiếp đi về bệnh viện tuyến tỉnh Trung tâm thành phố Nghĩa Ô để tự tay khai dao, bác sĩ Châu Dương phụ tá hỗ trợ.
Vào 14 giờ chiều, cuộc phẫu thuật đầu tiên cho bé Thành được diễn ra đúng giờ.
Sau khi bị rạch mô dưới da phát hiện ra rằng, lớp mỡ, và lớp cơ và mô mềm của bệnh nhi đã bị dây màng ối thít chặt ngăn cách, làm cho chúng không thể kết nối trên dưới với nhau, mạch máu bị chặn ép đến mức mỏng lại như tờ giấy, giây thần kinh cũng đã bị ép lại mỏng dính.
Bác sĩ Châu Dương nói, thật may mắn là đã kịp thời phẫu thuật, nếu không thì chỉ một thời gian ngắn nữa là mạch máu sẽ bị tắc nghẽn, mất luôn chức năng, hậu quả để lại là không thể dự báo được.
Sau một giờ phẫu thuật, dải màng ối đã được cắt bỏ, chức năng dây thần kinh, mạch máu trở lại bình thường ngay sau khi kết nối, cơ bắp và lớp mỡ cũng được kết nối lại, cuộc phẫu thuật đã thành công.
Cuộc phẫu thuật lần này cũng có một điểm sáng, đó là trước đây, khi phẫu thuật thì phần khâu miệng vết mổ đều dùng kiểu khâu chỉ chéo, nhưng trải qua nhiều lần phẫu thuật thực tế, giáo sư Phương đã tiến hành khâu miệng vết thương bằng mũi chỉ tròn đơn, trực tiếp kết nối 2 mép vết thương.
Việc này không chỉ làm cho quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh hơn, mà còn có tác dụng làm cho vết thương bé, sẹo để lại sẽ nhỏ, khi lớn lên gần như sẽ không nhìn thấy sẹo. Đó là một sự thay đổi lớn trong phẫu thuật cho trẻ và không để lại di chứng.
Ngoài kết quả phẫu thuật, chi phí phẫu thuật cũng khiến cho anh Vương rất hài lòng. Nếu thực hiện việc này ở Thượng Hải, chi phí sẽ rất cao, nhưng làm ngay tại tỉnh nhà, chi phí phẫu thuật giảm xuống chỉ còn 1/3 so với dự kiến ban đầu.
Bệnh này rất dễ bị nhầm lẫn với những nếp nhăn da thông thường
Bệnh dảy màng ối hiện chưa có biện pháp nào để phòng ngừa, trước khi sinh chủ yếu là thực hiện phương pháp siêu âm, kiểm tra bằng cách chụp ảnh cộng hưởng từ. Sau khi sinh thì có thể quan sát bằng mắt thường để so sánh, nhưng nó lại rất dễ nhầm lẫn với các nếp nhăn tự nhiên của cơ thể, do trẻ mập ú quá mà có ngấn như vậy.
Vậy làm sao để nhận ra bệnh một cách nhanh nhất? Bác sĩ Châu Dương nhắc nhở mọi người rằng, nếu là ngấn do mập ú thì rất dễ để tách giãn ra khi sờ vào, còn bệnh dải màng ối thì có độ sâu hơn nhiều, xung quanh khá cứng, không dễ để banh phẳng ngấn ra.
Khi bệnh nghiêm trọng hơn thì có thể xuất hiện sưng phù, nếu để một thời gian dài thêm thì có thể xuất hiện triệu chứng vùng da xung quanh chuyển sang thâm tím. Chỉ cần phát hiện ra triệu chứng tương tự như vậy, thì ngay lập tức phải tìm hiểu và nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết này của tác giả Hoàng Vạn Phong, bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Thành phố Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc.
Theo Health/Sohu/Trí thức trẻ