Cứ đi làm thì không sao, nhưng mỗi khi ở nhà, anh Nguyễn Văn Phú (thôn Việt Cường, xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, Thái Bình) chỉ muốn được "giấu tiệt "bản thân vào một góc khuất nào đó, để trốn tránh cái không khí ngột ngạt vây quanh. Tất cả bắt nguồn từ khoản tiền 3.000USD mà anh Phú vay nợ hàng xóm cho con gái đi Nhật để gia đình thoát nghèo, nhưng mãi chưa "bay" được vì nhiều lý do.
Giấc mơ thành… ác mộng
Dù nhà có ruộng, nhưng thu nhập của gia đình anh Phú chủ yếu trông chờ vào việc anh đi làm cửu vạn tự do. “Mấy sào ruộng chỉ là để trong nhà có sẵn hạt thóc mà thôi” - lời anh Phú. Cửu vạn, cộng với khoản tiền đi làm công nhân của con gái cả Nguyễn Thị Hoa - năm nay 26 tuổi - thì cái gia đình nhỏ ấy có lẽ cũng sẽ sống “được” theo nghĩa tằn tiện nhất có thể.
Nhưng ác thay, mấy năm gần đây, vợ anh Phú phát bệnh bướu cổ, ốm yếu, đi bệnh viện như cơm bữa, nên tiền bạc cứ đội nón ra đi. Túng thì phải tính, hai vợ chồng quyết định cho con gái cả đi xuất khẩu lao động sang Nhật để - như anh Phú nói - là “cứu gia đình”.
Để có tiền lo cho con đi, anh phải vay 3.000USD của hàng xóm. Hợp đồng vay mượn được ký kết rất chân chất với điều khoản: “Khi nào người hàng xóm bắt đầu xây nhà thì anh Phú phải trả tiền. Tiền lãi tính cho hằng tháng là 200.000 đồng/1.000USD”.
Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng anh Trần Xuân Lý - người đang mang nợ 7.000USD. |
Đáng nói là tiền đã nộp, tiếng Nhật con gái đã học (khai giảng từ tháng 2.2013), nhưng đến tháng 7.2013 thì anh Phú được nơi làm thủ tục đưa con gái đi Nhật thông báo là... chưa “bay” được, phải chờ. Người ta nói chờ thì anh cũng chỉ biết là chờ vậy thôi. Càng chờ càng vô vọng. Trong khi đó, cả năm vừa rồi, tháng nào anh cũng phải trả lãi 600.000 đồng/tháng. Và trong khi chờ, cô con gái có lẽ cảm thấy có lỗi với bố mẹ nên suốt ngày buồn bã như người ốm, có hôm suốt ngày nằm vùi ở trong giường, không ăn, chẳng nói.
“Trước khi định đi Nhật, nó làm công nhân, nhưng sau nó bỏ để chuẩn bị đi Nhật. Bây giờ không đi được nữa, nó chán nản cũng chẳng buồn đi làm nữa. Còn vợ tôi thì bị bướu cổ, lo lắng, tiếc tiền, bệnh càng nặng thêm. Còn khoản vay 3.000 đôla Mỹ, thực sự bây giờ tôi không biết lấy đâu để trả. Giờ cứ trông thấy ông hàng xóm là tôi lại... lủi vì ngại. Giờ người ta đã xây nhà xong rồi mà tôi đã trả được đồng nào đâu” - anh Phú than thở.
Cũng lâm vào cảnh nợ nần bi đát như anh Phú là anh Trần Xuân Lý (55 tuổi, trú tại thôn Song Thuỷ, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư). Anh Lý thậm chí còn bị người ta “xiết” xe máy. Tuy là nơi quen biết, nhưng có tháng không thấy anh Lý trả lãi, họ đành bảo anh Lý để xe máy lại để “gây áp lực” cho anh.
Anh Lý có 4 người con thì 2 đã lập gia đình. Con thứ 3 là Trần Văn Tưởng (21 tuổi) sau khi học cấp III thì đi bộ đội, rồi xuất ngũ và... thất nghiệp. Sợ con “nhàn cư vi bất thiện”, anh Lý đành lo cho con đi xuất khẩu lao động. Nhưng rồi, cũng như anh Phú, với việc sang Nhật đổ bể, bây giờ anh Lý cũng đang nợ 3.000USD, nhưng với mức lãi cao hơn: 300.000 đồng/1.000USD/tháng. Chưa hết, sau đó, anh lại “chạy” cho Tưởng đi Nhật ở “cửa khác”, phải vay tiếp 4.000USD.
“Bây giờ, cộng các khoản nợ là 7.000USD, mỗi tháng tôi phải trả lãi 3 triệu đồng. Sắp tới nếu cháu đi Nhật trót lọt thì sau này còn có tiền trả, chứ nếu không thì tôi chỉ có nước... chết” - anh Lý thở hắt.
Ngoài làm ruộng, anh Lý phải chạy đi làm phụ hồ, hoặc ai thuê gì làm nấy. Có tháng làm không đủ tiền lãi, vợ chồng anh đành phải xúc thóc đi bán bù vào. “Giờ gia đình tôi như cưỡi lên lưng hổ rồi, bằng giá nào cháu Tưởng cũng phải đi Nhật. Có đi được thì mới “kéo” lại tiền được, mới hy vọng trả cả gốc lẫn lãi được” - anh Lý nói cứng.
“Mê hồn trận”
Không chỉ anh Phú, anh Lý, hiện còn rất nhiều người khác, chủ yếu tại xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư) đang lâm vào cảnh nợ nần do vay tiền để con đi sang Nhật. Họ đều có điểm chung là đóng tiền để đi Nhật qua “cửa” của vợ chồng Vũ Văn Hứng (SN 1975) và Trần Kinh Phượng (SN 1986), trú tại thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (cạnh xã Vũ Tiến).
Vợ chồng Hứng - Phượng (đứng ngoài cùng hai bên) cùng với 2 người được giới thiệu là "đối tác người Nhật Bản" về tuyển lao động (Ảnh chụp lại tài liệu của cơ quan CA). |
Cặp vợ chồng này đã mở chi nhánh Cty cổ phần đào tạo và giáo dục Việt-Nhật tại Thái Bình, đặt tại nhà mình, treo bảng hiệu rất hoành tráng. Chi nhánh này đã được Sở KHĐT tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận hoạt động, đăng ký lần đầu vào ngày 24.10.2012, do Vũ Văn Hứng là người đứng đầu.
Theo phản ánh của các “khổ chủ”, vợ chồng này đã tự tổ chức các khóa học tiếng Nhật tại nhà và sau đó đưa người nước ngoài, nói là đối tác Nhật Bản về tuyển, cũng ngay tại nhà. Từ tháng 5.2012 đến tháng 2.2013, hai vợ chồng đã tổ chức 2 khóa học. Như vậy, họ đã treo biển và hoạt động chi nhánh khi chưa có giấy chứng nhận của Sở KHĐT.
Khóa thứ nhất có 8 lao động tham gia, khóa thứ hai 10 người. Sau khóa học tiếng, các học viên được vợ chồng Hứng - Phượng phát visa và thông báo ngày đi Nhật, đồng thời thu 8.500USD/người đối với khóa thứ nhất; 3.000USD cộng 8,2 triệu đồng/mỗi người đối với khóa thứ hai. Nhưng đến nay, cả 18 lao động theo học 2 khóa tiếng Nhật kể trên đều không ai đi sang Nhật được.
Anh Trần Trọng Tạ (thôn Song Thuỷ) - phụ huynh của 1 trong 18 học viên - kể: Để lo cho con sang Nhật, lúc đầu anh phải nộp 1.000USD tiền đặt cọc hợp đồng. Sau 3 tháng học tiếng, anh phải đóng tiếp 2.000USD gọi là tiền hợp đồng ngoại để chuẩn bị bay.
“Sau đó, từ đầu tháng 7.2013, con tôi ở nhà chờ để đến ngày 16.12.2013 bay sang Nhật theo lịch hẹn. Nhưng đến tháng 10 thì vợ chồng Hứng - Phượng cho biết là bị vỡ hợp đồng, chưa đi được. Nghe nói vậy, tôi bảo họ nếu không đi được thì cho tôi xin lại tiền, nhưng họ cứ khất lần. Đến tết vừa rồi thì họ không thèm tiếp chúng tôi nữa” - anh Tạ bức xúc.
Một phiếu thu tiền do vợ chồng Hứng lập ra, không có con dấu. |
Điều bất thường là vợ chồng Hứng - Phượng treo biển chi nhánh của Cty Việt - Nhật, nhưng phiếu thu tiền 3.000USD của nhiều lao động lại có dấu của chi nhánh Cty cổ phần xuất khẩu lao động và dịch vụ vận tải thuỷ Miền Nam (viết tắt là Cty Miền Nam) tại Hưng Yên! Khi làm việc với Công an huyện Vũ Thư, chúng tôi còn phát hiện chi nhánh Cty Việt-Nhật có tới 25 ngành nghề kinh doanh, nhưng không hề có lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Lạ nữa là ngày 18.12.2012, Cty Miền Nam chi nhánh Hưng Yên đã có quyết định tiếp nhận Vũ Văn Hứng công tác tại Ban phát triển nguồn nhân lực trực thuộc công ty này, được hưởng lương, phụ cấp theo quy định của công ty. Quyết định này do ông Nguyễn Trí Năng - Giám đốc Cty Miền Nam chi nhánh Hưng Yên - ký.
Theo Công an huyện Vũ Thư, quyết định này không có giá trị trước pháp luật. Đối với số tiền mà người lao động nộp, có khoản Vũ Văn Hứng trực tiếp thu; có những khoản thì ông Hứng dẫn người lao động lên nộp cho người của chi nhánh Cty Miền Nam nhưng lại ở... huyện Đông Anh (Hà Nội). Tổng số tiền này hiện lên đến hàng chục nghìn USD.
Trở lại vụ tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động sang Nhật, mới đây, sau một thời gian dài chờ đợi và đòi tiền lại không được, người dân đã làm đơn trình báo sự việc lên công an, tố cáo vợ chồng Hứng-Phượng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị cơ quan công an sớm đưa hai vợ chồng này ra xử lý trước pháp luật và trả lại tiền cho người dân.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại tá Trần Xuân Tuyết - Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình - cho biết: “Công an tỉnh đã nhận được đơn và giao cho phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an huyện Vũ Thư tiến hành điều tra, nếu có dấu hiệu phạm tội thì sẽ xử lý theo pháp luật”.
Theo Đoàn Tất Thảo