Trước thông tin "nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản từ nuôi lợn, nuôi gà", ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đặt câu hỏi: "Nuôi lợn, gà thì lấy đâu nhiều tiền thế?".
“Anh có 10 tỷ mà bảo đi nuôi lợn, nuôi gà, lấy đâu ra mà lắm thế. Giải thích cho xong mà không hợp lý thì không ai chấp nhận nổi”, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt. Ảnh: VNE |
Theo thông tin trên báo VietNamNet, VnExpress, trước thông tin nhiều quan chức có khối tài sản kếch xù là nhờ nuôi lợn, chăn gà, bán chổi đót, ông Phạm Trọng Đạt- Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Giải thích về nguồn gốc tài sản bất cứ trường hợp nào cũng phải hợp lý, rõ ràng.
Ông Phạm Trọng Đạt cho hay, theo quy định mỗi khi tài sản tăng giảm bất thường mới yêu cầu người kê khai phải giải trình nguồn gốc. Ví dụ tăng từ 50 triệu trở lên thì người kê khai phải giải thích.
Theo ông Đạt, tài sản của cán bộ công chức tăng lên có thể do kinh doanh hoặc làm việc này việc khác, cũng có thể do bán nhà đất, do bố mẹ để lại. Tuy nhiên dù vì lý do nào thì cũng phải giải trình rõ ràng để có căn cứ xem xét như thế có hợp lý không.
“Anh có 10 tỷ mà bảo đi nuôi lợn, nuôi gà, lấy đâu ra mà lắm thế. Giải thích cho xong mà không hợp lý thì không ai chấp nhận nổi”, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nhấn mạnh.
Về việc này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc nhiều quan chức giải thích rằng có tài sản khủng nhờ nuôi gà, nuôi lợn có 2 trường hợp. Một là họ nói đúng. Trong trường hợp này, nếu họ giàu lên từ nuôi lợn, nuôi gà thì phải xác nhận cho họ, thậm Chí Nhân rộng điển hình, đưa gương người tốt việc tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng này rất ít, may ra được 0,1%.
“Giải trình như thế không thuyết phục, dư luận rất không đồng tình. Người ta nói giải thích như thế càng thể hiện sự không trung thực. Lần thứ nhất không trung thực về kê khai, lần thứ 2 không trung thực khi giải trình, như vậy là không trung thực kép”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, dư luận luôn đặt ra và rất dị nghị, là việc kê khai tài sản còn rất hình thức. Người kê khai tài sản khai không đủ, không chính xác, thậm chí còn giấu giếm. Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ đó lại không xác minh. Người đứng đầu không chịu trách nhiệm, bô phận tham mưu cũng không, tóm lại là hòa cả làng.
“Đảng xác định, kê khai tài sản vô cùng quan trọng vì tham nhũng thường gắn liền với vấn đề tài sản. Nhưng thực tế hiện nay người ta khá yên tâm với việc kê khai tài sản, vì họ khai đến đâu cũng chỉ biết đến đó”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhưỡng, có thực tế là cán bộ ở Hà Nội nhưng nhà cửa tại TP. HCM; cán bộ vùng cao nhưng sở hữu tài sản dưới Hà Nội. "Muốn kiểm soát được thì cần phải công khai bản kê khai tài sản của cán bộ để người dân giám sát", ông Nhưỡng nói và đề nghị cần làm rõ trước công luận về những biệt phủ mọc lên giữa vùng quê nghèo.
"Nếu thông tin không rõ càng khiến dư luận đoán mò, nghi ngờ rồi dẫn đến mất lòng tin. Ở đây, nếu dân không biết thì lấy gì để dân bàn, dân kiểm tra", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Đức Hòa (tổng hợp)