"Qua kiểm tra thấy kê khai tài sản lớn chưa có quy định về truy nguồn gốc, không giải đáp được tài sản lấy từ đâu, nên mới có chuyện nhiều cán bộ giải trình từ nuôi lợn, nuôi gà", đó là nhận định của Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an.
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an. Ảnh: NLĐ |
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, Tiền phong, đưa tin thêm, chiều ngày 5/7, tại Hội nghị giao ban thanh tra các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2017 do Thanh tra Chính phủ tổ chức, Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an, cho rằng nhiều năm nay Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành rất trăn trở, nói nhiều tới tiêu cực, tham nhũng ở các nơi liên quan đến kê khai tài sản.
Thiếu tướng Phạm Lê Xuất cho biết, những kết luận về xử lý cán bộ gần đây của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) cũng cho thấy nhiều vi phạm liên quan đến kê khai tài sản.
Bất cập trong cơ chế khiến việc kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhiều. Hiện chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu.
Khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không. Thế nên mới có chuyện nhiều người giải trình hình thành từ nuôi lợn, nuôi gà. Câu chuyện ở Yên Bái giải trình như thế nhưng xem giải trình đúng không thì chưa có cơ chế kiểm soát.
“Thực hiện những cuộc thanh tra như thế thì họ cũng phải run sợ, cũng phải ngại, kê khai không đúng thì sẽ bị xử lý như thế nào. Tôi đề nghị TTCP đưa vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018 một chương trình thanh tra đối với việc kê khai tài sản”, tướng Xuất nêu quan điểm.
Cũng tại buổi giao ban, ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính, tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) - cho biết cơ quan này đang tiếp tục đôn đốc, tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập năm 2016 của các bộ ngành, địa phương theo quy định.
Theo ông Lĩnh, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành đã thực hiện gần 500 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 900 đơn vị, kiến nghị xử lý hành chính hơn 170 tổ chức và hơn 300 cá nhân có vi phạm. Kết quả công tác phòng chống tham nhũng, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng và qua hoạt động thanh tra phát hiện 21 vụ, 22 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
"Định hướng kế hoạch thanh tra năm 2018 của Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện nhiều Chính sách, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ và tổ chức…", Vụ trưởng Lĩnh thông tin thêm.
Theo dự thảo định hướng kế hoạch thanh tra năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ ngành, địa phương có thể thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
Đức Hòa (tổng hợp)