Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 chỉ được nhắc đến ngắn gọn với vẻn vẹn 11 dòng trong sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12 hiện hành.
Trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12 hiện hành viết cách đây gần 15 năm, cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 được thể hiện tại mục đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với vỏn vẹn hơn 11 dòng với 140 chữ.
“Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa. Ảnh: Internet |
Trao đổi trên kênh truyền hình VTC1, GS nhà giáo Vũ Dương Ninh, thành viên nhóm biên soạn cuốn sách này cho biết, những thông tin ít ỏi này là sự cố gắng rất lớn của nhóm tác giả.
"Thực ra khi viết cái đó, chúng tôi là những tác giả đều rất không thoải mái vì nó không nói lên được bản chất cũng như diễn biến của lịch sử. Nhưng trong khuôn khổ với những hạn chế của thời gian đó chúng tôi chỉ cố gắng đưa được đến chừng đó thôi", ông Ninh nói.
Cũng theo GS Vũ Dương Ninh, sử học là môn khoa học mang tính khách quan cho nên muốn cho nội dung thấm nhuần vào tầng lớp học sinh một cách lâu dài thì phải đảm bảo tính khách quan. Nghĩa là phải nói lên sự thật, tức xuất phát từ đâu, vì sao xảy ra như vậy, ai là kẻ xâm lược và chúng ta phải tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ tổ quốc của chúng ta.
"Nếu chúng ta nói được sự thật khách quan đó thì bản thân nó có giá trị vĩnh cửu", ông Ninh nhấn mạnh.
Trao đổi trong phóng sự, ông Nguyễn Ngọc Trường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế cho rằng: Giai đoạn lịch sử từ 1975 đến nay nên có những bài giảng trong sách giáo khoa rất quan trọng nhưng ngoài ra cũng cần những bài giảng không nằm trong sách giáo khoa nhưng chúng ta ghi nhận nó tồi đến một lúc nào đó lịch sử sẽ viết ra những điều mà ngày nay chưa viết.
Cũng theo tìm hiểu của nhóm phóng viên VTC1, sách giáo khoa lịch sử hiện hành không có những nhân vật tương xứng với tính chất của sự kiện như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
H.Minh (tổng hợp)