Mẫu nước biển ở Đà Nẵng đem đi xét nghiệm có xuất hiện loài tảo sillic. Tuy nhiên, chưa có tài liệu chứng minh loài tảo này gây nên mẩn ngứa.
Ngày 14/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng đã gửi kết quả phân tích mẫu nước cho UBND thành phố. Kết quả phân tích mẫu nước biển từ Viện Hải dương học Nha Trang, có xuất hiện loại tảo sillic trung tâm (loài chiếm ưu thế là Pseudo -Nisztchia sp). Song, đến nay chưa có tài liệu nào chứng minh loài tảo này gây ngứa hay dị ứng trên da, theo Dân Việt.
Nhiều du khách tắm biển ở Đà Nẵng bị nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người. (Ảnh: Dân Việt) |
Trước đó, nhiều người dân phản ánh bị nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người khi tắm tại các bãi biển như Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T20 (quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn).
Sau đó, ngành môi trường đã gửi mẫu nước biển đến các cơ quan có chuyên môn ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Đà Nẵng và cả tỉnh Khánh Hòa để phân tích.
Ngoài việc khẳng định trong nước biển có xuất hiện tảo sillic, Sở TN&MT cho biết, gần đây khu vực biển Đà Nẵng có xuất hiện sao biển và sứa. Đây có thể là nguyên nhân gây ngứa trong thời gian qua.
Kết quả từ viện Hải dương học Nha Trang cho thấy có loài tảo sillic ở biển TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Người Đưa Tin) |
Các nghiên cứu cho thấy, sứa biển thường xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm tại Đà Nẵng, nhất là những ngày nắng nóng.
Do đó, ban Quản lý các bãi biển du lịch đã cắm biển cảnh báo cho người dân biết, hạn chế tắm biển.
Kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2018, tại các vị trí biển, ven bờ và bãi tắm cho thấy, các thông số môi trường đạt yêu cầu so với quy chuẩn cho phép, theo Người Đưa Tin.
Ngày 7/7, kết quả phân tích mẫu nước tại các bãi tắm cho thấy nước biển vẫn trong thông số an toàn.
Trang Vũ (tổng hợp)