Thông tin một showroom ở Đà Nẵng chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc, còn khách Việt thì bị cấm cửa, ngăn cản không cho vào đang khiến dư luận xôn xao.
Vừa qua, báo điện tử Infonet đưa tin, một showroom có tên H.A Cao su thiên nhiên ở địa chỉ 148 Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) bị phản ánh chỉ cho khách Trung Quốc vào mua sắm, tuyệt đối cấm khách Việt. Thậm chí, người dân tới đứng khu vực trước cửa showroom này cũng bị bảo vệ yêu cầu đi ra chỗ khác. Điều này khiến cho người dân khu vực bất bình.
Báo này nêu rõ, kiểu kinh doanh "lạ" của showroom này được chị Nguyễn Nho Văn Khanh (hiện công tác tại Tổng Công ty Điện lực miền Trung) phản ánh với tòa soạn Infonet kèm một số hình ảnh làm chứng. Theo thông tin mà chị Khanh cung cấp thì các đoàn khách Trung Quốc đến Showroom vào khoảng 11h trưa và rời đi lúc 14h.
Hình ảnh Showroom bị cho là cấm cửa khách Việt, chỉ đón tiếp khách Trung Quốc. Ảnh: Infonet |
Theo tìm hiểu của phóng viên báo này thì Showroom H.A Cao su thiên nhiên thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân. Tuy nhiên, điều "lạ" là showroom lại được xây theo lối kín cổng cao tường. Nhìn từ ngoài, showroom này trông như là lô cốt mà những người đứng ngoài không thể quan sát được các hoạt động bên trong.
Khi được hỏi, một người xưng là bảo vệ của showroom này cho biết, cơ sở này bán đồ chăn, ga, gối, đệm cho... khách du lịch. Hàng hóa ở đây không bán cho khách lẻ mà chỉ bán cho đoàn khách của Công ty Du lịch Quốc Đô - một công ty kinh doanh lữ hành và chuyên về khách Trung Quốc). Đặc biệt, theo phản ánh, các hoạt động quay phim, chụp hình khu vực này đều bị nhân viên của showroom ngăn cản.
Gian hàng trong Showroom đều ghi bảng tên và bảng giá bằng chữ Trung Quốc. Ảnh: Infonet |
Showroom này nằm cách xa trung tâm thành phố, xa biển, xa sông Hàn và hầu như không có trong "bản đồ du lịch"của Đà Nẵng. Quầy hàng của showroom và một số hàng quán bên cạnh đều ghi bảng tên, bảng giá bằng chữ Trung Quốc.
Liên quan tới thông tin trên, Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, việc này ít có tiền lệ vì tất cả các Thương nhân khi kinh doanh đều mong có khách hàng để tìm kiếm lợi nhuận. Vấn đề này thì phải xem Showroom này thuộc loại hình kinh doanh nào thì mới có thể kết luận xem có hay không việc vi phạm pháp luật.
Cụ thể, nếu là Dự án đầu tư mà 100% vốn được cấp Chứng nhận đầu tư thì đối chiếu nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư và các nội dung khác của Dự án, nhà đầu tư phải tuân thủ những cam kết của mình khi xin cấp Chúng nhận đầu tư hay Cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. Còn nếu chỉ là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thì vẫn đề lại hoàn toàn khác vì quan hệ thương mại là tự do, tự nguyện, thỏa thuận, các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật.
Theo phân tích của luật sư Lê Văn Thiệp, các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng hay các Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đều không có quy định về vấn đề quyền từ chối khách hàng.
"Về cơ bản, nếu được kinh doanh thì "người bán" có quyền cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho các cá nhân, tổ chức mà họ lựa chọn, đây là quyền của họ, chỉ trừ một số lĩnh vực như Thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm đặc biệt hay trong những trường hợp thiên tai địch họa thì phải tuân theo quy định của pháp luật. Còn trong điều kiện bình thường thì việc làm của showroom trên không trái pháp luật. Tuy nhiên, khi gắn với vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn" - Luật sư Thiệp cho hay.
Một khách sạn của người Trung Quốc trên địa bàn thành phố. Ảnh: Tiền phong |
Được biết, ở Đà Nẵng, ngoài xuất hiện showroom "lạ" chỉ phục vụ khách Trung Quốc vừa được phản ảnh, vừa qua, báo Người lao động thông tin, cơ quan quản lý đất đai quận Ngũ Hành Sơn đã xác nhận hiện có 250 lô đất ven biển của thành phố do người Trung Quốc núp bóng thu gom. Đặc biệt, có người mới 26 tuổi, gia cảnh được đánh giá chỉ ở mức... đủ ăn nhưng lại đứng tên sở hữu tới 12 lô đất trị giá lên tới vài chục tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền phong, đà đa phần các lô đất này đều nằm ở vị trí nhạy cảm, liên quan đến khu vực phòng thủ hoặc vùng quân sự.
Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn - ông Tăng Hà Vinh cho biết, theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài chưa được phép mua đất tại Việt Nam. Nhưng họ lách luật bằng cách nhờ các cá nhân người Việt đứng tên. Do đó trong hồ sơ, tất cả các trường hợp mua đất đều hợp pháp, đúng quy trình. Các cá nhân được nhờ đứng tên đã thực hiện đầy đủ các giấy tờ và nghĩa vụ thuế thì chính quyền buộc phải chấp nhận để họ mua.
Bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này, chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, cả phường hiện có 11 hộ dân có nhà cho khoảng 30 người Trung Quốc thuê. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số có đăng ký tạm trú và được phường quản lý. Còn những trường hợp khác như công nhân viên làm việc ở các khu nghỉ dưỡng hoặc du khách người Trung Quốc lại do cấp quận, thành phố quản lý nên phường không thể nắm được con số chính xác.
Vũ Đậu