(Tinmoi.vn) Ngay thời điểm Việt Nam đang nóng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, nhân dân cả nước sục sôi lòng yêu nước, vị doanh nhân đã nghĩ ra một đề án với ý nghĩa vô cùng tốt đẹp: dùng nghìn tỉ mua tàu cá cũ phục vụ ngư dân bám biển.
Ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải - một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu tại TP HCM mới đây bất ngờ tuyên bố sẽ sắm 100 tàu và 2 trực thăng để ra Hoàng Sa đánh cá.
Thuyết minh cho dự án này, vị đại gia nổi tiếng ở TP.HCM cho hay, vì cảm thấy bứt rứt, căm tức hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép nên đã không thể thờ ơ.
Theo đó, Công ty Đức Khải dự định sẽ nhập 95 tàu đánh bắt (bình quân 8 tỷ đồng/chiếc), cùng với các ngư cụ trên tàu (khoảng 3 tỷ đồng/chiếc); 5 tàu dịch vụ hậu cần khoảng 15-20 tỷ đồng/chiếc, cùng với thiết bị chuyên dụng cho các tàu (thêm khoảng 10 tỷ đồng/chiếc); 2 trực thăng khoảng 60 tỷ đồng, để cùng ngư dân bám biển trong bối cảnh Biển Đông diễn biến phức tạp. Số lượng 100 chiếc tàu vị doanh nhân định đặt mua đã qua sử dụng trên 30 năm, và vẫn còn hạn sử dụng 30-40 năm (để cắt giảm một nửa chi phí) từ Nhật, Hàn Quốc.
Ngay sau khi mục đích tốt đẹp của đề án được khởi xướng, vị doanh nhân đã nhận được rất nhiều ủng hộ của dư luận. Nhiều người cho rằng đây là một quyết định đúng thời điểm của vị doanh nhân. Từ mô hình này, sẽ có nhiều nghiệp đoàn nghề cá lớn hơn nữa góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và lực lượng ban ngành đã vào cuộc, phân tích cụ thể bản chất của đề án nghìn tỉ gây sốt này, để lại trong dư luận không ít mối hoài nghi.
Theo đó, trao đổi trên VTC, đánh giá chất lượng tàu có đến 30 năm khai thác, ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội nghề Cá Việt Nam khẳng định: “Với những tàu cá có tuổi đời cao như vậy, dù sửa chữa lại cũng chỉ có thể ra khơi đánh bắt thời gian ngắn, sau đó sẽ sớm vào bãi đồng nát”.
Theo đó, tàu cá dù là vỏ thép, vỏ nhôm, composite tổng hợp, sợi thủy tinh và được đóng ở đâu cũng chỉ có tuổi đời khai thác 25 – 30 năm. “Tất nhiên ngoài 30 năm tàu vẫn có thể ra khơi khai thác nhưng nó không khác gì con người đến tuổi nghỉ hưu, dù vẫn có thể làm được việc nhưng chậm chạp hiệu quả thấp và rủi ro cao”, ông Mưu dẫn chứng.
Bên cạnh đó, trong đề án nêu rõ tổng mức đầu tư là 1.500 tỷ đồng, song Cty Đức Khải dự định xin vay 90% (1.350 tỷ đồng), còn lại là vốn tự có chỉ khoảng 150 tỷ đồng.
Ngay trong đề án, Cty Đức Khải cũng kiến nghị: Về lãi suất hiện hành áp dụng là 3%. Tuy nhiên, lấy lý do là thí điểm nên, ông Lâm kiến nghị mức hỗ trợ lãi suất 1%/năm, kể từ năm thứ 2 đến năm thứ 11, ân hạn 1 năm không tính lãi suất.
Quay lại Kỳ họp Quốc hội Việt Nam lần thứ 7 mới đây, các đại biểu đã vừa ra nghị quyết về gói hỗ trợ 16.000 tỷ cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã quyết định chi 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và 11.500 tỷ đồng đóng mới tổng cộng 32 tàu các loại cho lực lượng cảnh sát biển.
Chỉ có 10% vốn, lại không phải là người có kinh nghiệm hàng hải, kinh tế biển, đề án soạn thảo vội vàng trong thời gian chỉ 2 tháng, vị doanh nhân đang bị đặt trong mối nghi ngờ là "nhắm vào gói hỗ trợ ngư dân" này để được vay tiền nghìn tỉ với mức lãi suất thấp chỉ 1%/năm, rồi đổ tiền tiếp vào bất động sản, vốn là “sở trường” hàng chục năm của công ty Đức Khải.