Thông tin trên VTC cho biết, đại gia lấp song Đồng Nai Huỳnh Phú Kiệt, bên cạnh số tài sản khủng đang sở hữu, còn đang gánh trên vai số nợ cũng “khổng lồ” không kém.
Mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dự án đầu tư “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của công ty Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công), nơi ông Huỳnh Phú Kiệt là Chủ tịch HĐQT. Dự án có tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông, trong đó phần đất lấn ra sông Đồng Nai là hơn 70.000 mét.
Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành nơi này sẽ là khu phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, và khách sạn 4 đến 5 sao, công viên. Tuy nhiên hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng việc “lấp” sông Đồng Nai làm dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng sông Đồng Nai.
Theo báo cáo thường niên năm 2013 của công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát dự kiến xây dựng giai đoạn 1 Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai gồm 108 căn phố liền kề (bán hầm, trệt, lửng và 3 lầu) ước đạt 555 tỷ đồng Doanh thu và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ 2015 – 2017, giai đoạn 2 có mức lợi nhuận kỳ vọng là 260 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ hình thành khu khách sạn, nhà phố thương mại, siêu thị, chung cư, cao ốc văn phòng, công viên trên sông. Tuy nhiên, ngày 23/3, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút giấy phép dự án do lo ngại những ảnh hưởng của nó.
Toàn Thịnh Phát là cái tên khá tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng tại Đồng Nai và Bình Dương. Hiện Tập đoàn này sở hữu rất nhiều công trình hạng sang trên nhiều lĩnh vực: thi công xây dựng, giáo dục và đầu tư…
Đơn cử, trong lĩnh vực thi công xây dựng, Tập đoàn này đã xây dựng thành công hệ thống các điểm giao dịch ngân hàng Sacombank trong cả nước, cao ốc Hội sở Sacombank, cao ốc văn phòng Thanh Lễ, cao ốc văn phòng Khang Thông, khách sạn Ngọc Lan (Đà Lạt), Hana Beach Resort & Spa, Khách sạn Thanh Bình 4, nhà xưởng Công ty Liên Doanh Medevice 3S, Bar Cafe Điểm Hẹn Sài Gòn, khu biệt thự Bình Dương, nhà xưởng gạch Đồng Tâm, Data Center Sacombank, trường Trịnh Hoài Đức, trường Lê Quý Đôn, trường THPT Tân Phú…Trong những năm gần đây, Toàn Thịnh Phát tiếp tục thực hiện các công trình: khu tái định cư - hành chính Long An, Khu đô thị mới thị xã Tân An (Long An), Cao ốc văn phòng Việt Thái, Hoa Sen, làng biệt thự The Pegasus Residence, trung tâm thương mại dịch vụ nhà ở The Pegasus Plaza, trụ sở điện lực Tân Bình…
Dự án lấp sông Đồng Nai dự kiến có lợi ích kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng
Tuy nhiên, vị đại gia này cũng đang gánh trên vai số nợ không hề nhỏ so với số tài sản mà ông đang sở hữu.
Theo báo cáo thường niên 2013 của Toàn Thịnh Phát, tại thời điểm 31/12/2013, công ty có tổng tài sản là 2.052,34 tỷ đồng.
Thông tin trên VTC cho hay, Tại thời điểm cuối năm 2013, tổng nợ phải trả của công ty là 1.567,36 tỷ đồng, bằng 76% tổng tài sản. Trong đó nợ vay ngân hàng ngắn hạn lên tới 614,05 tỷ đồng. Với khoản nợ lớn như vậy nên không ngạc nhiên khi Toàn Thịnh Phát phải è cổ trả lãi vay hàng năm.
Năm 2013, chi phí lãi vay của công ty là 82,26 tỷ đồng. Năm 2012, chi phí này còn lớn hơn khi đạt 117,39 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế 2013 và 2012 lần lượt là 2,36 tỷ đồng và 25,77 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lãi vay.
Ông Huỳnh Phú Kiệt - Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát
Bản thân Toàn Thịnh Phát cũng nhìn nhận được khó khăn mà các khoản nợ chồng chất mang lại. Ban Giám đốc Toàn Phát cho biết khó khăn lớn nhất với đối với lĩnh vực đầu tư của công ty mẹ chính là việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao, vốn chủ sở hữu thấp.
Bên cạnh đó, trong suốt giai đoạn 3 năm khó khăn vừa qua, công ty không thể tăng vốn để thực hiện các dự án mà vẫn phải dùng nguồn vốn vay với chi phí cao. Cuối 2013, đầu 2014, chi phí tài chính còn tương đối lớn, đòi hỏi công ty phải có giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy kinh doanh và kiểm soát chi phí để đảm bảo duy trì hiệu quả đầu tư dự án.
Trong năm 2013, công ty đã thực hiện cơ cấu lại các khoản vay ngắn hạn, chuyển đổi các khoản vay đầu tư dự án từ ngắn hạn sang trung, dài hạn. Các khoản vay được chuyển đổi phù hợp hơn với mục đích đầu tư dự án và giảm áp lực cho công ty trong việc trả nợ gốc trong năm.
Trong năm 2014, Toàn Thịnh Phát khẳng định để đạt mục tiêu kết quả hoạt động kinh doanh, ngoài việc đẩy mạnh kinh doanh bán hàng thì mục tiêu không kém quan trọng là tiếp tục hoàn tất việc tái cấu trúc nhắm hướng tới mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn nhỏ hơn 1,5 lần.
Ngoài ra, công ty cần tiếp tục tìm kiếm các định chế tài chính để cơ cấu các khoản vay, giảm lãi suất vay về mức bình quân, từ 11% đến 12%/năm.
Nam Nam (Tổng hợp)