(Tinmoi.vn) Trong 100 chiếc tàu có 95 chiếc chuyên dụng bám biển để đánh bắt, khai thác thủy - hải sản sẽ hoạt động tại 5 ngư trường lớn gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.
Mới đây, trong cuộc họp ĐHCĐ Công ty CP Đức Khải, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty đã công bố một ý tưởng táo bạo. Đó là ông sẽ sắm 100 chiếc tàu và 2 trực thăng và đưa ra Hoàng Sa, giúp ngư dân bám biển trên vùng đất chủ quyền của Việt Nam.
Theo kienthuc, từ đầu tháng 5, ngay khi vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như các tàu của TQ liên tục gây hấn, ức hiếp gây thiệt hại nặng về tài sản của ngư dân, ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT CTCP Đức Khải cảm thấy bứt rứt, căm tức hành động ngang ngược của Trung Quốc đã không thể thờ ơ.
Vậy là ngay sau đó, một kế hoạch “kinh doanh” táo bạo chưa từng có đã được vị chủ tịch HĐQT lập ra và nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ cổ đông công ty cổ phần Đức Khải.
Chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng, ông Lâm cùng những người tâm huyết của công ty Đức Khải đã xuôi ngược khắp nơi hết trong nước rồi ra đến nước ngoài làm mọi thủ tục, tìm kiếm, hợp đồng với đối tác để mua bằng được 100 con tàu đánh cá có công suất từ 500 đến 1500 mã lực tại các nước hàng đầu về công nghiệp đóng tàu và đánh bắt như Hàn Quốc, Nhật, Úc.
Doanh nhân Phạm Ngọc Lâm
“Chúng tôi chọn hình thức mua lại các tàu cũ từ các nước phát triển và có kỹ thuật cao về đóng tàu và đánh bắt như Nhật, Hàn Quốc, Úc và Mỹ; 2 chiếc trực thăng sẽ mua từ các nước châu Âu. Đến thời điểm này, chúng tôi đã liên hệ và xác nhận được với các đối tác khoảng 45 chiếc tàu các loại. Nếu không có gì trở ngại thì 45 chiếc tàu này sẽ về đến VN trước 30.8”, ông Lâm chia sẻ.
Được biết, công ty sẽ tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, sau đó tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế... Tất cả thuyền viên trên tàu sẽ được hưởng lương theo nguyên tắc phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34% và 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư để hỗ trợ. Kể cả những mùa tàu không đi đánh bắt được, họ cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Khi ngư dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/người/tháng, công ty sẽ có Chính sách khuyến khích họ trích số tiền vượt trên 10 triệu đồng ưu tiên mua lại cổ phần của công ty. Như vậy, chỉ sau khoảng 3 - 5 năm, ngư dân sẽ dần thay thế công ty, trở thành những chủ tàu.
Một trong những chiếc tàu công ty Đức Khải đặt mua từ Nhật Bản
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 11 sẽ hoàn tất việc mua sắm tàu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng…, tháng 12 sẽ đưa vào vận hành thử và đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động.
Ngoài ra, với số vốn đầu tư khoảng 1500 tỷ đồng, công ty Đức Khải còn mua sắm thêm 2 máy bay trực thăng từ các nước Châu Âu, 2 ụ nổi với sức chứa 5000 tấn/ụ…để chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch “tấn công” ngư trường Hoàng Sa, đánh bắt thủy, hải sản ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
2 chiếc máy bay trực thăng (giá mỗi chiếc khoảng 30 tỷ đồng) đang được công ty Đức Khải đàm phán với đối tác ở Châu Âu để sớm đưa về nhằm phục vụ việc cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp cho các ngư dân trên biển. Theo ông Lâm, 2 chiếc trực thăng sẽ đỗ ở các đảo do cơ quan nhà nước quản lý và sử dụng trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên cả nước.
Ông Phạm Ngọc Lâm, 46 tuổi là một đại gia Sài Gòn. Sau một lần làm ăn thất bại, năm 2006, ông khởi nghiệp lần hai. Theo một số nguồn tin, công ty Đức Khải là nhà độc quyền phân phối các sản phẩm Tosiba, Kenwood, Indesit và Dongfeng tại VN, chủ của gần 30 dự án BĐS đang triển khai xây dựng, trong đó nổi bật là chung cư bình dân Era Town, Q7...
Rất nhiều người đánh giá cao việc làm của vị doanh nhân trước tình hình hiện tại. Một độc giả chia sẻ: “Đây là một ý tưởng táo bạo nhưng thiết thực, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của một người chủ doanh nghiệp, một người con của đất nước Việt Nam. Hy vọng Chính phủ sớm có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp để triển khai thực hiện và mong có nhiều doanh nghiệp khác cũng có những ý tưởng hay như vậy”.
“Sau ông Lâm hy vọng các đại gia khác cũng sẽ hành động khi quốc gia nguy biến”, một người khác bình luận.
“Sắm 100 tàu cá bám biển cùng ngư dân bảo vệ lãnh hải,xây dựng kinh tế biển là quyết định cao đẹp và thức thời của ban lãnh đạo và toàn thể cổ đông công ty CP Đức Khải. Mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp có những sáng kiến tuyệt vời để cùng toàn dân khởi sắc dựng xây đất nước ngày một giàu mạnh ,đem lại niềm tự hào mới cho dân tộc”, anh Công Lý (Hà Nội) cho hay.
Nam Nam