Đại sứ quán Nhật Bản vừa có văn bản cảnh báo về những thông tin sai lệch mà các công ty tư vấn du học thường quảng cáo nhằm thu hút học sinh Việt Nam.
Theo tin tức trên báo Dân Trí ngày 21/1, thông tin từ Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT cho biết, Cục vừa nhận thêm thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về thông tin các công ty tư vấn du học đang cung cấp thông tin không chính xác về du học Nhật Bản, các quy định làm thêm đối với lưu học sinh tại Nhật Bản.
Theo Cục Đào tạo với nước ngoài – Bộ GD-ĐT, hiện nay một số website của các công ty tư vấn du học đang cung cấp thông tin không chính xác về du học Nhật Bản, các quy định làm thêm đối với lưu học sinh tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục và đào tạo và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cùng thực hiện kiểm tra và có thông tin phản hồi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vừa qua, Cục Đào tạo với nước ngoài- Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thêm thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về vấn đề nêu trên. Cục Đào tạo với nước ngoài chia sẻ để các bạn học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh có nhu cầu du học tại Nhật Bản có thêm nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy trong quá trình lựa chọn, tổng hợp thông tin trước khi đi học.
Đại sứ quán Nhật Bản cảnh báo: người có nguyện vọng du học không nên bị mê hoặc bởi các thông tin sai lệch về "vừa học vừa làm" ở Nhật Bản - Ảnh: Báo Thanh Niên
Trước thực tế này, Đại sứ quán Nhật Bản lưu ý, học sinh, sinh viên, các phụ huynh có nhu cầu du học tại Nhật Bản cần hết sức cảnh giác đến những lời mời mà một số công ty tư vấn du học vẫn thường nhấn mạnh, đó là: Có thể vừa đi làm vừa đi học, đi học ở Nhật Bản có thể kiếm được nhiều tiền.
Ví dụ: Tùy theo trình độ tiếng Nhật, vừa đi học vừa đi làm, du học sinh có thể nhận được mức lương từ 170 nghìn Yên (khoảng 35 triệu đồng) đến 300 nghìn Yên (khoảng 60 triệu đồng) một tháng.
Thực tế: Những người nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản với tư cách “lưu học” về nguyên tắc là không được đi làm. Những trường hợp muốn đi làm các công việc không thuộc phạm vi quy định trong tư cách lưu trú như là đi làm thêm cần Giấy phép được tham gia các hoạt động không nằm trong tư cách lưu trú.
Những người đã được cấp phép cũng chỉ được đi làm thêm trong một khoảng thời gian quy định (không quá 28 tiếng/tuần) và cũng không dược đảm bảo rằng sẽ có nơi làm thêm. Thực tế là, trước khi có trình độ tiếng Nhật tốt, rất khó có thể tìm được việc làm thêm.
Dù có vừa đi học vừa đi làm, thì bằng việc làm thêm cũng không thể có được một mức thu nhập hơn 170 nghìn yên (35 triệu đồng) một tháng kể cả ở những thành phố trả mức lương cao như Tokyo.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam lưu ý: Chỉ những kỳ nghỉ dài hạn mới được cho phép làm việc đến 8 tiếng 1 ngày.
Theo báo Thanh Niên, văn bản cảnh báo của Đại sứ quán Nhật nêu một ví dụ khác mà một số công ty tư vấn du học hay quảng cáo: “Về cơ bản nếu đi du học Nhật Bản thì thu nhập có được từ việc làm thêm sẽ giúp bạn trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt, hơn nữa còn tiết kiệm được một số tiền”.
Tuy nhiên, trên thực tế, mức sinh hoạt phí trung bình của sinh viên đại học bao gồm cả tiền nhà tại Tokyo là 150 nghìn Yên/tháng (khoảng 30 triệu đồng), tại các vùng khác là 110 nghìn Yên (22 triệu đồng).
Nếu tham gia các buổi họp mặt ăn uống với bạn bè thì sẽ phải mất thêm từ 20.000 đến 30.000 Yên (4 - 6 triệu đồng tiền Việt). Như vậy, tiền làm thêm của lưu học sinh cũng không thể đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, bao gồm cả tiền nhà.
“Đi du học là một hình thức đi học ở nước ngoài, không phải đi làm. Vì vậy, tất cả những người có nguyện vọng đi du học Nhật Bản cần không bị mê hoặc bởi các thông tin sai lệch mà một bộ phận các công ty tư vấn du học đã đưa ra”, Đại sứ quán Nhật Bản một lần nữa nhấn mạnh trong thông báo này.
Kim Thành (tổng hợp)