Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày giành lại được độc lập dân tộc, chúng tôi đến thăm Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, cùng phu nhân, với tất cả sự trân trọng của thế hệ trẻ hôm nay với lớp người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân cho nước.
Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng "Nhân ái" là cái gốc của thắng lợi, là nhân tố chủ yếu để thắng lợi. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, chúng tôi đề nghị ông kể cho nghe về những ngày tháng Tám lịch sử 70 năm về trước mà ông là người trong cuộc. Như chạm vào miền ký ức quan trọng, ông cười rạng rỡ kể về những ngày tháng ông tham gia tổ chức Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở Lộc Ninh.
Đại tướng kể:
Cuối năm 1939, để tránh sự khủng bố, truy lùng của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, tôi lánh vào nhà chị gái ở Hội An. Nhưng thấy không an toàn, tôi lại đi tiếp vào Đà Lạt, vì tôi cũng có một người chị lấy chồng và sinh sống ở đó. Mới đầu, tôi vào làm cu ly (lao công) tại khu nhà nghỉ của người Pháp ở Đà Lạt, sau một thời gian từ phụ giúp ngoài giờ, tôi học được nghề chế biến thực phẩm nguội của người Pháp. Cái nghề đó đưa tôi đến với những người phu cao su ở đồn điền Lộc Ninh đầu năm 1941.
Đến đồn điền cao su Lộc Ninh làm thực phẩm nguội, nhờ tạo được niềm tin với chủ, mấy tháng sau, họ còn giao cho tôi cả việc đi cấp phát lương thực và thực phẩm cho phu làm ở các lô cao su của đồn điền, thế là tôi có điều kiện để tìm hiểu tình hình và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức.
Qua những buổi cấp phát lương thực, thực phẩm, lợi dụng sự đồng ý cho lập nghiệp đoàn của chủ, tôi đã bí mật tuyên truyền, vận động khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, xây dựng sự đoàn kết thương yêu nhau trong phu cao su, hướng dẫn cách làm để không bị chủ coi thường cúp phạt và cải thiện đời sống, từng bước giác ngộ cách mạng cho họ.
Đến giữa năm 1942, gặp anh Nguyễn Văn Trấn (về sau, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh làm Chính ủy Khu 9) từ đó tôi mới bắt được liên lạc lại với tổ chức. Từ kết quả hoạt động tại đồn điền cao su Lộc Ninh, đầu năm 1943, khi Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được tái lập, anh Văn Công Khai làm Bí thư, thì tôi được chỉ định làm ủy viên và được giao cùng với anh Nguyễn Văn Trung phụ trách phong trào cách mạng ở vùng Bắc Thủ Dầu Một, trong đó có đồn điền Lộc Ninh. Qua thực tiễn xây dựng phong trào ở Lộc Ninh, tôi đã bồi dưỡng và báo cáo với tổ chức kết nạp được một số đảng viên.
Được sự đồng ý của Tỉnh ủy, tháng 2/1944, Chi bộ Cộng sản Lộc Ninh được thành lập với 5 đảng viên (gồm các đồng chí: Lộc, Gián (tức Ba Đèn) là thợ điện, Hai Lực, Cứng - lái xe và tôi làm Bí thư). Với sự lãnh đạo của Chi bộ thông qua hoạt động của các đảng viên, phu (công nhân) cao su ở các đồn điền Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp… nhanh chóng được giác ngộ, các tổ chức cách mạng của quần chúng dưới hình thức hội được thành lập, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Khi được tin quân Nhật sắp đầu hàng đồng minh, chúng tôi đã chọn những người khỏe mạnh và hăng hái lập ra đội tự vệ vũ trang, bí mật tổ chức luyện tập để sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa.
Thực hiện Quyết định Tỉnh ủy, đêm ngày 23 rạng ngày 24/8/1945, Chi bộ Lộc Ninh chúng tôi đã triển khai cho các Hội cứu quốc tổ chức quần chúng với nhiều loại vũ khí thô sơ đồng loạt tiến công vào các trụ sở chính quyền của phát xít Nhật. Lúc đầu chúng cũng ngoan cố chống cự khiến 22 người của ta hy sinh, nhưng trước sức mạnh áp đảo của Nhân dân ta, chúng buộc phải hạ nộp vũ khí đầu hàng, trả lại chính quyền về tay Nhân dân, giới chủ phải bàn giao các đồn điền, nhà máy cho đại diện công nhân quản lý.
Sau khi giành được chính quyền, chúng tôi tổ chức cho quần chúng mít tinh, tuần hành trên các trục đường quanh các trung tâm hành chính, tay giương cao cờ đỏ sao vàng vừa đi vừa hô vang “chính quyền đã về tay Nhân dân”; “Việt Nam độc lập muôn năm” và “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm” để mừng chiến thắng và thị uy bọn chống đối. Theo sự phân công của chi bộ, tôi tổ chức một lực lượng gần 300 người, với trang bị vũ khí tự có và mới thu được của địch, kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một để tham gia giành chính quyền ở đó, nhưng khi về tới nơi thì lực lượng tại chỗ cũng đã giành được chính quyền.
Sau buổi mít tinh, tuần hành mừng thắng lợi, chúng tôi tổ chức truy điệu và an táng những đồng bào và đồng chí hy sinh.
Tối 24/8 chúng tôi nhận được tin tất cả các huyện khác của tỉnh Thủ Dầu Một cũng đã giành được chính quyền, tại Bù Đốp chúng ta còn thu được cả kho súng của địch. Lộc Ninh và Quản Lợi thời đó đều thuộc quận Hớn Quản, khi bàn việc tổ chức chính quyền, tôi đề xuất và được tất cả mọi người ủng hộ cử bác sĩ Hồ Văn Huê làm Chủ tịch Quận kiêm Chủ tịch Công ty cao su Quản Lợi.
Sau ngày được Đảng và Nhân dân cho nghỉ công tác, có thời gian suy ngẫm về Cách mạng tháng Tám, tôi mới càng thấy Đảng ta mà đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã chọn đúng thời cơ tốt nhất để phát động và tổ chức toàn dân đứng lên giành lại độc lập Dân tộc và quyền làm chủ đất nước của Dân ta, vừa nhanh gọn vừa hạn chế thấp nhất mọi tổn thất.
Nếu sớm hơn mấy ngày thôi, khi quân Nhật chưa bị Liên Xô đánh bại ở Mãn Châu và Mỹ phản công ở Đông Nam Á và ném bom nguyên tử hai thành phố của Nhật, Nhật hoàng chưa tuyên bố đầu hàng, quân Nhật và chính quyền tay sai ở nước ta còn hăng máu, thì chúng ta có thể chưa đủ sức giành chiến thắng và nếu có thì cũng tổn thất rất lớn. Hoặc, để muộn hơn mấy ngày, khi quân Đồng minh đã vào giải giáp quân Nhật, thì họ sẽ thiết lập chính quyền tay sai mới phục vụ cho lợi ích của họ, chúng ta cũng không đủ sức để buộc họ trao trả độc lập dân tộc và quyền làm chủ đất nước về với Nhân dân ta.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay, giá trị lý luận và thực tiễn đó đã được Đảng ta vận dụng trong rất nhiều việc hoạch định đường lối và tổ chức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định: "Bài học về chọn thời cơ, chớp thời cơ của Cách mạng tháng Tám là bài học kinh nghiệm sâu sắc, giúp tôi hoàn thành những trọng trách mà Đảng, Nhân dân và quân đội giao phó". Đại tướng căn dặn: “Hiện nay, thế và lực của quân đội đã tốt hơn, nâng cao hơn, nhưng tình hình hiện tại có nhiều thách thức, đòi hỏi quân đội nói riêng và nhân dân nói chung đoàn kết thống nhất, hợp lực hợp sức vì công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước”.
Đại tướng cho rằng "Nhân ái" là cái gốc của thắng lợi, là nhân tố chủ yếu để thắng lợi. Và trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua thì thắng lợi là thắng lợi của toàn dân tộc, đã là người Việt Nam thì không hề có kẻ bại, mà ai cũng là người chiến thắng. Số ngụy quân, ngụy quyền, kể cả ở trong nước và đi di tản, phần lớn bây giờ đã và đang hướng về Tổ quốc từ Chính sách nhân ái này. Ðây là điều minh chứng hùng hồn và sinh động cho cụm từ "Ðoàn kết dân tộc", "Chiến thắng trọn vẹn" của cách mạng Việt Nam - một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân loại tiến bộ toàn thế giới!
Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920, quê tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trong Quân đội, Đại tướng Lê Đức Anh đã công tác, chiến đấu trên nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc. Ông đã hai lần đi tàu không số vào Nam (năm 1963), ra Bắc (cuối năm 1973); trên cương vị Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như: Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968; Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn tháng 4/1975. Ông từng làm Tư lệnh Quân khu 9, Quân khu 7 và Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khmer đỏ. Tháng 11/1986 ông được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1987, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông được thăng vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974, từ Trung tướng lên Thượng tướng năm 1980, từ Thượng tướng lên Đại tướng năm 1984. Năm 1992, ông được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước. | |
Theo Chinhphu.vn/Đời sống & Pháp luật