Biết thông tin ngày 30/10 UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sẽ kết thúc hợp đồng với các giáo viên diện tuyển dư, hơn 500 người đã viết tâm thư cầu cứu gửi Thủ tướng.
Ngày 19/9, bà Nguyễn Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho Báo Người Đưa Tin biết, ngày 30/10 sẽ kết thúc hợp đồng với tất cả các giáo viên hợp đồng trên toàn huyện trong vụ tuyển dư hơn 500 giáo viên hợp đồng.
Theo bà Trinh, huyện đang tính toán số tiết, thời gian dạy thực tế để chi trả hỗ trợ cho các giáo viên hợp đồng.
Nhận thông tin này, các giáo viên của huyện Krông Pắk đã viết tâm thư kêu cứu gửi Thủ tướng.
Các giáo viên nghe UBND huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: Zing) |
Cô giáo Hồ Thị Dung (trường THCS Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) cho rằng, việc dôi dư hơn 500 giáo viên, lỗi này không thuộc về giáo viên hợp đồng mà thuộc về người ra quyết định. Thậm chí, có giáo viên đang mang thai khi nghe tin đã không chịu được cú sốc dẫn đến sảy thai rồi mất con.
Thầy giáo Hồ Quý Thắng (trường THCS Hoàng Văn Thụ) hy vọng sau khi tâm thư gửi tới Thủ tướng sẽ có một giải pháp nhân văn hơn cho 500 giáo viên hợp đồng.
Trước đó, Zing đưa tin, tình trạng dôi dư hơn 500 giáo viên nói trên do từ năm 2011-2015, ông Nguyễn Sỹ Kỷ – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã ký hơn 400 hợp đồng lao động, dù giáo viên của huyện đang dư thừa.
Anh Dương về nhà nuôi lợn sau khi bị chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: Zing) |
Đến năm 2016, ông Y Suôn Byă mới giữ chức Chủ tịch UBND huyện tiếp tục ký tuyển dụng thêm 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học dù đã được Thanh tra tỉnh đề nghị phải khắc phục việc tuyển dụng dư thừa từ thời chủ tịch trước.
Tháng 1/2018, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Păk. Đồng thời khiển trách Chủ tịch UBND huyện Krông Păk do đã ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên.
Chiều 9/3, sau khi thông báo có 208 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng vì "không đủ điều kiện xét tuyển", hàng trăm người đã kéo lên UBND huyện phản đối. UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải tạm đình chỉ quyết định trên để tìm giải pháp thích hợp hơn.
Một giáo viên bật khóc khi nghe tin chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: Zing) |
Đến ngày 22/4, UBND huyện Krông Pắk tổ chức thi tuyển giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Có 300 người không trúng tuyển và 508 giáo viên phải thanh lý hợp đồng.
Trong ngành giáo dục, đây không phải lần đầu hàng trăm giáo viên bị mất việc hàng loạt. Việc lãnh đạo địa phương phóng bút ký hợp đồng rồi phó mặc trách nhiệm kiểu "đem con bỏ chợ" khiến nhiều người bức xúc. Đơn cử, ngày 1/9/2016, 647 giáo viên, nhân viên hành chính ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cũng bất ngờ nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với lý do không có nhu cầu sử dụng lao động hợp đồng tại thời điểm hiện tại.
Trang Vũ (tổng hợp)