Lỗ hổng bảo mật của ứng dụng Zoom
Cậu bé học sinh lớp 4 ở Florida (Mỹ) đang tham gia lớp học trực tuyến thông qua phần mềm Zoom thì bỗng 1 video hình ảnh khiêu dâm nhảy vào màn hình. “Tôi vội lấy tay che 1 phần màn hình để cho con không nhìn thấy video xấu kia nhưng tôi nhìn thấy những đứa trẻ khác trong lớp học cũng đang bị sốc”, bà Claudia Reyes, mẹ của học sinh đó nói.
Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ cho biết, họ đã nhận được rất nhiều báo cáo của người dùng sau khi những người này bị kẻ lạ không xác định xâm nhập vào cuộc họp hay lớp học trực tuyến, chèn vào các hình ảnh khiêu dâm, kích động hận thù, bạo lực. Thậm chí mới đây, phần mềm Zoom còn bị phát hiện tự động chuyển dữ liệu của người dùng cho Facebook, quảng cáo sai về tính năng mã hóa đầu cuối.
Một lớp học trực tuyến (ảnh minh họa)
Mới đây, Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu giáo viên ngừng sử dụng Zoom sau khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng liên quan đến phần mềm này. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng có động thái tương tự sau khi phát hiện lỗ hổng bảo mật của phần mềm này. Sở Giáo dục ở thành phố New York (Mỹ) đã yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn không sử dụng Zoom để dạy học trực tuyến do lo ngại thiếu tính bảo mật, có thể cho phép tin tặc đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng và tự động chạy các phần mềm độc hại trên máy tính.
Ông Eric Yuan, Giám đốc điều hành phần mềm Zoom thừa nhận: “Zoom đã có sự phát triển quá nhanh và đã có bước đi sai lầm. Chúng tôi đã nhận cho mình những bài học. Giờ đây, chúng tôi sẽ lùi một bước để tập trung vào quyền riêng tư và bảo mật”.
Các công ty công nghệ như Google cũng đã cấm việc dùng ứng dụng này trên máy tính xách tay của nhân viên.
Có rất nhiều rủi ro có thể gặp khi làm việc hoặc học tập qua mạng, thậm chí tới từ chính người dùng như vụ việc đang rất nóng trên các diễn đàn học phần mềm Zoom hiện nay. Đó chính là những học sinh nghịch ngợm chia sẻ quyền truy cập lớp học của mình cho những kẻ lạ, mời gọi họ vào phá đám lớp học của chính mình. Ví dụ như: “Cần tuyển một số đầu gấu vào phòng Zoom này để phá”, “Vào phá đi mấy ông”, “Anh em đến quẩy, bật nhạc to vào”… Nhiều thầy cô đã phải phát khóc trước sự việc nêu trên bởi không thể phát hiện được kẻ phá rối từ đâu chui ra.
Nâng cao an toàn trong giáo dục trực tuyến tại Việt Nam
Trong thời gian qua, ứng dụng Zoom được nhiều đơn vị giáo dục tại Việt Nam sử dụng làm công cụ phục vụ giáo dục trực tuyến. Trước nguy cơ về an toàn bảo mật thông tin từ ứng dụng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương, các trường cần tăng cường đảm bảo an toàn, tập huấn kiến thức và kỹ năng sử dụng internet trong quá trình học trực tuyến.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát tất cả các phần mềm học trực tuyến, đặc biệt là các phần mềm hay được dùng để ra khuyến cáo, hướng dẫn cho các nhà trường, địa phương tự lựa chọn tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình…”.
Ngoài việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn có nhiều tình huống phát sinh trong quá trình học trực tuyến, nhất là với học sinh tiểu học, các con chưa quen sử dụng máy tính khiến cô giáo khá vất vả nhưng cũng có cả những điều thú vị khi dạy trẻ ở lứa tuổi đầy tò mò và hiếu động này. Việc điểm danh và ổn định trật tự lớp mất 5 phút, cô giáo Thạch Lan Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 2H, trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục) mới có thể dạy tiếng Việt cho các em.
Để thu hút sự tập trung của học sinh, cô giáo cho các em chơi trò chơi giải ô chữ trước khi bắt đầu vào bài giảng chính. Đọc xong câu hỏi thứ nhất thì cô giáo bị “bật” ra khỏi lớp học trực tuyến, lỗi do đường truyền bị thiếu ổn định.
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy, tác giả bài thơ dặn các em học sinh bảo mật thông tin
Trước tình trạng an toàn, bảo mật thông tin khi học trực tuyến có nguy cơ bị rò rỉ, cô giáo Nguyễn Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2, trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) đã bày tỏ tâm tư lên mạng cá nhân của mình:
Vì giặc dịch hoành hành, ta phải học online
Phải có Pass, ID mới vào trong lớp được
Nhưng có một điều cô phải nhắc trước:
Bảo mật để an toàn cho bạn và cho cô.
Đừng để kẻ lang thang vượt chặn cửa nhảy vô
Chát chit linh tinh, vẽ vời dung tục
Bấm loạn màn hình, ta không học được,
Gián đoạn bài, dang dở cả mùa thi!
Rồi một ngày sớm quét sạch Covy
Để ta lại thênh thang trên con đường đến lớp,
Để rạo rực mê say ngắm phượng hồng rợn ngợp,
Kỳ thi qua, ta đón giấc mơ hè!
Lời thơ dung dị, mộc mạc và chân tình đã rất hiệu quả, lan tỏa và lay động tới tất cả giáo viên, học sinh và phụ huynh toàn trường. Mọi người đã cùng nhau chia sẻ tâm tư ấy cho rất nhiều bạn bè mình và đều được đón nhận, hưởng ứng.