Cả hai đều cho rằng, mức phạt mỗi người 550 triệu đồng liên quan đến vụ khai thác khối đá nặng gần 30 tấn là vô lý.
Công an tỉnh Đắk Nông đề xuất với UBND tỉnh Đắk Nông phạt 1,1 tỷ đồng đối với hành vi khai thác đá của ông Thanh (chủ vườn) và ông Hảo (người lái máy múc đưa hòn đá lên mặt đất); đề xuất phạt hành chính tài xế vận chuyển khối đá 35 triệu đồng và đề xuất đưa hòn đá bán quý caxidon vào bảo tàng tỉnh trưng bày; cả 2 người khai thác đá đều không đồng tình. Hai ông cho rằng các ông vô tình đào hồ nên thấy hòn đá chứ không hề có chủ đích múc hồ để lấy đá đem bán.
Ông Thanh cũng cho biết, nếu bị xử phạt gia đình ông cũng không có tiền để nộp vì kinh tế của gia đình không ổn định, rất khó khăn. Ông Thanh cho biết: “Tôi thuê người đến múc hồ tình cờ phát hiện cục đá, người ta hỏi mua giá 70 triệu, tôi bán đi nhưng cả chi phí máy móc này kia nữa nên tôi cũng chỉ được có 30 triệu, sao lại phạt tôi kinh vậy! Tôi thấy người dân chỗ tôi lâu lâu đào hồ cũng gặp đá này đem bán bình thường, không thấy ai nói gì; nhưng khi tôi thấy cục đá này thì lại phạt tôi đến mức vậy”. Cũng chung tâm trạng giống ông Thanh, ông Trương Quốc Hảo cho biết, ông được ông Thanh thuê đến múc hồ, lúc đang múc tình cờ phát hiện khối đá lớn, người dân địa phương đồn đại rồi sau đó có 1 người phụ nữ ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) điện thoại xuống bảo ông bán lại cho họ giá 140 triệu đồng. Sau đó ông Hảo mua lại của ông Thanh với giá 70 triệu đồng để kiếm chút lời, rồi thuê xe tới múc và vận chuyển tới người mua đá.
Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn nhận định, nếu bán cả nhà thì 2 hộ này cũng không đủ tiền đóng phạt
Trước đề xuất sẽ bị xử phạt 550 triệu đồng, ông Hảo cho rằng “mức xử phạt này là quá vô lý” và gia đình ông hiện tại quá khó khăn, không có 1 cách nào để có thể có được số tiền ấy. Nếu có quyết định xử phạt vậy, ông sẽ gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh, thậm chí lên trung ương về sự việc này.
Ông Phạm Đức Châu – Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, sau vụ việc Công an tỉnh tịch thu khối đá dân khai thác, trên địa bàn xã tuyệt đối không còn xảy ra tình trạng khai thác đá. “Xã đã quán triệt và thông báo với nhân dân tại xã, không được phép khai thác đá. Đối với các hộ có xe múc để đào hồ, múc hố đều phải đăng ký đầy đủ với xã, báo cáo thời gian, địa điểm và cam kết không khai thác đá, tránh xảy ra trường hợp như với hộ ông Thanh và ông Hảo”.
Về hoàn cảnh gia đình của hộ ông Nguyễn Chí Thanh và Trương Quốc Hảo, ông Châu cho biết cả 2 hộ đều thuộc hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn. Trước đề xuất phạt 550 triệu đồng mỗi người vì hành vi khai thác đá, ông Châu nhận định “nếu bán cả nhà thì 2 hộ này cũng không đủ tiền đóng phạt”.
Trước đó, vào ngày 10/2/2015, trong lúc đang múc hồ lấy nước tưới cà phê, ông Nguyễn Chí Thanh (SN 1981, ngụ xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) phát hiện 1 khối đá “khủng” nằm dưới hồ. Lúc này, ông Trương Quốc Hảo (SN 1971, ngụ cùng xã) - chủ máy múc được ông Thanh thuê múc hồ - đã đề nghị ông Thanh bán lại cho mình khối đá trên với giá 70 triệu đồng. Ông Thanh đồng ý bán. Sau đó ông Hảo thuê người và máy móc đưa khối đá lên mặt đất. Khối đá dài 4m, cao 1,3m, ước tính nặng gần 30 tấn.
Khoảng 21h ngày 11/2, trong lúc tài xế Hoàng Văn Nghĩa (ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang vận chuyển khối đá trên đường hướng từ Đắk Nông qua Đắk Lắk thì bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện và yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ liên quan. Do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc khối đá nên Công an tỉnh Đắk Nông đã đưa phương tiện và khối đá về trụ sở để điều tra, làm rõ.
Vũ Đậu (Tổng hợp)