Tin mới

ĐBQH: Đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù để ngừa tham nhũng

Thứ sáu, 10/11/2017, 10:40 (GMT+7)

Tại phiên thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), chiều 9/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù để biết sợ.

Tại phiên thảo luận về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), chiều 9/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, đề xuất đưa quan chức đi thăm nhà tù để biết sợ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, việc đưa học viên đi tham quan nhà tù cũng là một nội dung dự tính trong chương trình thực tế giảng dạy tại Học viện Cán bộ TP.HCM.

"Tôi rất đồng ý là ở bậc đại học và cao hơn chúng ta phải hết sức lưu ý giáo dục Luật phòng chống tham nhũng", trên tờ Tuổi trẻ dẫn lời đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Tại Học viện Cán bộ TP.HCM, nơi ông Ngân làm hiệu trưởng, dự kiến sẽ đưa nội dung tham quan nhà tù vào chương trình đi thực tế với các lớp đào tạo bồi dưỡng cho một số cán bộ, công chức.

Chia sẻ về đề xuất này, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho biết khi ông học về quản lý nhà nước tại Mỹ thì nội dung tham quan nhà tù cũng đã có trong chương trình học. 

Ngoài ra, theo ông Nhân, các học viên còn đi tham quan các bãi rác cực kỳ ô nhiễm, sau đó được đi thực tập trong các doanh nghiệp để có thực tiễn cao nhất.

Cũng tại phiên thảo luận, đa số đại biểu (ĐB) cho rằng, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cần quan tâm đến lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, ngay cả ở cấp xã.

"Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có chuyện, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà là không lạ!", ĐB Hiếu nêu vấn đề.

Đối với việc kê khai tài sản, nhiều cử tri còn đề nghị cần kê khai cả con đã thành niên, người thân tín để phòng ngừa nhìn xa, trông rộng. Người có chức vụ quyền hạn phải kê khai tiếp 5 năm khi về hưu. Vì phòng ngừa, người về hưu trong 5 năm không tham gia lĩnh vực mình công tác nhưng lại có nhà lớn.

Trên VOV dẫn lời đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) dẫn trường hợp “biệt phủ” tại TPHCM mà dư luận phản ánh, đồng thời nhấn mạnh: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: quan chức ĐBQH