Tin mới

Đề nghị phạt tù lái xe say xỉn: Không thể một mình một luật!

Chủ nhật, 29/03/2015, 14:24 (GMT+7)

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hình sự hóa, phạt tù tài xế “nặng” hơi men.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hình sự hóa, phạt tù tài xế “nặng” hơi men.

 

 

 

Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng phải xem xét thật kỹ trước khi áp dụng nếu không vô tình sẽ đẩy người dân vì “chai bia, chén rượu” mà rơi vào cảnh tù tội. Nhưng cũng có ý kiến đưa ra, đề xuất này là hợp tình hợp lý bởi nó sẽ hạn chế tình trạng nhiều người thiệt mạng do Tai nạn giao thông. Và trên hết đề xuất nào cũng phải được sự đồng thuận của người dân và sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

“Ma men” ra đường có chiều hướng tăng

Trong khi dư luận vẫn chưa ngã ngũ trước đề xuất tịch thu phương tiện đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại đưa ra đề xuất khiến nhiều người “sốc”.

Theo đó, sẽ phạt tù lái xe vi phạm nồng độ cồn. Trong mọi trường hợp, mạng sống của con người vẫn là thứ quý giá nhất, những giải pháp đưa ra có thể giảm được số người chết vì tai nạn giao thông thì cần thiết được áp dụng. Tuy nhiên, những đề xuất này đang vấp phải những ý kiến trái chiều.

Góp ý sửa đổi Bộ luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi bộ GTVT đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 100mg/100ml, hoặc nồng độ cồn trong khí thở vượt quá 0,5mg/1 lít.

Đề nghị mới thì lái xe uống một chai bia có thể vướng vòng lao lý.

Lý giải trước đề nghị này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở thì mức phạt là 10-15 triệu đồng/người điều khiển xe ô tô và 2-3 triệu đồng đối với xe mô tô và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Ông Nguyễn Văn Huyện cũng cho rằng: “Tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở cao hơn mức quy định trên vẫn chưa có chiều hướng giảm. Đây là mối họa đe dọa đến an toàn cho xã hội. Trong khi đó, theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi trên đã bị xử lý nghiêm khắc.

Ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, lái xe còn bị khởi tố hình sự và phạt tù. Để đảm bảo an toàn cho xã hội, cần hình sự hóa hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, bổ sung vào Bộ luật Hình sự, từ đó có căn cứ pháp lý để xử phạt người vi phạm”.

Liệu có phải là một phát kiến viển vông?

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông vận tải cho rằng: “Tôi đã rất nhiều lần lên tiếng về đề xuất tịch thu phương tiện khi vi phạm nồng độ cồn của UBATGTQG là bất hợp lý và không khả thi khi áp dụng ở nước ta. Bởi nó có quá nhiều vấn đề liên quan đến sở hữu tài sản, điều kiện thực tế của người dân khi phương tiện vẫn được xem là tài sản, phương tiện kiếm sống.

Và trước đề nghị hình sự hóa đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn lần này, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cốt lõi của những con số tai nạn hàng năm. Bởi vậy mà những giải pháp đưa ra khiến dư luận phản ứng rất mạnh.

Có thể nói, chúng ta đang luẩn quẩn trong bài toán làm thế nào để giảm con số tai nạn giao thông hàng năm. Tôi ủng hộ chủ trương đúng đắn để hạn chế tai nạn giao thông, nhưng phải trên cơ sở tôn trọng lợi ích, quyền công dân và phải đảm bảo tính nhân văn. Không phải cứ bế tắc là chúng ta áp dụng hình phạt”.

Cũng theo ông Thủy, trước khi đưa ra những quy định, biện pháp xử phạt người dân, cơ quan quản lý cần đảm bảo hạ tầng đường bộ tốt hơn. Như vậy, người dân mới phục. Ví dụ như ở Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ trước, mỗi năm có đến 12 ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, con số đó hiện nay chỉ còn khoảng 5 ngàn người, bởi cơ sở hạ tầng của họ tốt.

Ông Nguyễn Xuân Thủy.

Trong khi đó hạ tầng giao thông kém thì không thể đổ lỗi cho ý thức người tham gia giao thông được. Cơ quan quản lý đang quá chú trọng đến việc đưa ra những hình phạt để được việc của mình mà thiếu tôn trọng cuộc sống, cũng như điều kiện vật chất của người dân.

Bởi vậy, việc đưa người vi phạm nồng độ cồn vào luật Hình sự cần phải xem xét thật cẩn trọng. Nếu có áp dụng thì phải nghiên cứu cụ thể nồng độ cồn vượt quá bao nhiêu sẽ khiến chủ thể mất kiểm soát, nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Hơn nữa cũng phải căn cứ vào số lần vi phạm. Nếu tái phạm lần thứ mấy thì mới xử lý hình sự chứ không phải lần đầu người ta vi phạm đã bỏ tù.

Trước đề xuất hình sự hoá lái xe ma men, anh Phạm Trung Thành (43 tuổi, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Tôi đồng ý với đề xuất này. Cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự những người uống rượu bia ra đường. Người say rượu bia ra đường sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng tính mạng không chỉ người điều khiển mà còn nguy hại đến tính mạng những người tham gia giao thông khác. Hình sự hoá sẽ giảm tai nạn giao thông do say rượu, bia gây ra”.

Trao đổi vấn đề trên, luật sư Nguyễn Trọng Quyết, Trưởng Văn phòng luật sư An Phước cho rằng: “Dù là đề xuất gì đi chăng nữa trước tiên phải phù hợp với luật pháp, không vi hiến. Bên cạnh đó, xây dựng luật cũng phải dựa vào ý chí và sự ủng hộ của người dân chứ không nên đề xuất một cách thiếu thực tế, chưa đưa ra người dân đã phản đối. Câu chuyện về đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn mới đây đã vấp phải sự phản đối của nhiều người, nay lại thêm hình sự hóa người vi phạm nữa e rằng quá nặng”.

Luật sư Ứng cũng cho rằng, việc đề nghị hình sự hóa đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định là cần thiết, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, cần đưa ra mức quy định cụ thể nồng độ cồn vượt quá bao nhiêu chứ không thể uống một chai bia mà bị phạt tù thì rất vô lý.

Điều 202 Bộ luật Hình sự đã có quy định về điều khiển vi phạm giao thông đường bộ. Trong đó có quy định phạt tù từ 3-10 năm đối với hành vi khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Cần tôn trọng nguyện vọng của người dân

“Qua việc chặt cây xanh ở Hà Nội đã cho thấy, đề xuất, đề nghị, luật phải tôn trọng nguyện vọng của người dân và các nhà khoa học chứ không thể làm một cách tùy tiện. Vấn đề giảm tai nạn giao thông cũng vậy, trước khi đưa ra đề xuất, đề nghị cơ quan quản lý cần thăm dò dư luận, đánh giá một cách khách quan và khoa học dựa trên điều kiện cụ thể của người dân. Trước đây nhiều điều luật ban hành ra mà người dân không đồng ý thì được xem là luật hà khắc.

Trở lại vấn đề hình sự hóa lái xe vi phạm nồng độ cồn, tôi cho rằng áp dụng nặng hay nhẹ không phải là vấn đề mà quan trọng có được người dân ủng hộ hay không. Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo các nước trên thế giới, chứ không thể một mình một luật”, GS. TS Đặng Vũ Cảnh Khanh, Viện trưởng viện Truyền thống và Phát triển nói.

Vũ Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news