Tin mới

Để tàu chạy "chui" gây tai nạn, Giám đốc cảng vụ Đà Nẵng có bị xử lý hình sự?

Thứ hai, 06/06/2016, 14:55 (GMT+7)

Theo luật sư, trách nhiệm chính của cơ quan chức năng trong trường hợp để xảy ra tai nạn lật tàu trên sông Hàn, Đà Nẵng phải thuộc về Cảng vụ Đà Nẵng.

"Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Cảng vụ để cho tàu Thảo Vân 2 xuất bến khi không đủ điều kiện hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009" - Luật sư Quách Thành Lực cho biết.

Khoảng 20h25 ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa – 0016 đang chở 56 người trên sông Hàn thì bị lật và chìm tại khu vực giữa cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn. Tàu do tài công Lê Công Chí (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển.[mecloud]rLnl5NUOHV[/mecloud]

Đặc biệt, tàu này chỉ được phép chở 28 người nhưng chủ tàu đã chở 56 người. Tàu chưa được cấp phép vận tải hành khách.

Nguyên nhân vụ tại nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các qui định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người qui định.

Điều đáng nói khác, theo ghi nhận của báo chí, nơi tàu Thảo Vân 2 xuất bến hằng ngày, hoạt động trái phép chỉ cách đồn biên phòng và Cảng vụ Đà Nẵng 50m mà không bị phát hiện suốt thời gian dài. 

Sáng 6/6, trong cuộc họp khẩn của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan có trách nhiệm trong vụ chìm tàu trên sông Hàn đêm 4/6, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã quyết định đình chỉ chức vụ của ông Lê Sáu, giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Công Hiệu, đội trưởng đội quản lý bến TP Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, ông Thơ nói đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, để xảy ra sự việc chìm tàu có trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, lỏng lẻo, yếu kém.

Tàu Thảo Vân 2 chở gấp đôi số người quy định - Ảnh: Vietnamnet

Liên quan đến các vấn đề pháp lý của vụ việc, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Tinh Hoa.

Luật sư Quách Thành Lực cho biết, về trách nhiệm chính, đầu tiên của cơ quan chức năng trong trường hợp để xảy ra tai nạn lật tàu chở khách Thảo Vân 2 phải thuộc về Cảng vụ Đà Nẵng trong việc không kiểm tra giám sát điều kiện an toàn, không phát hiện, không ngặn chặn tàu chở khách Thảo Vân 2 không đảm bảo an toàn nhưng vẫn xuất bến, gián tiếp dẫn đến tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Lực dẫn Điều 4 Thông tư Số: 83/2015/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa nhiệm vụ và quyền hạn của Cảng vụ được được xác định như sau:  “2. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa. 3. Không cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.”

Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Cảng vụ để cho tàu Thảo Vân 2 xuất bến khi không đủ điều kiện hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

“Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”, Luật sư cho biết.

Luật sư Lực cũng cho biết thêm, chủ tàu phương tiện có trách nhiệm, đăng kiểm và đảm bảo điều kiện an toàn của phương tiện vận chuyển hành khách.

Tàu đánh cá nếu hoán cải để trở thành tàu trở khách thì phải tiến hành đăng kiểm để cơ quan đăng kiểm cấp giấy đăng kiểm đủ điều kiện chở khách. Nếu hoạt động tự ý thay đổi công năng của phương tiến mà không được cơ quan chức năng cho phép, cấp đăng kiểm là việc làm vi phạm pháp luật không đủ điều kiện hoạt động chở khách.

Luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Tinh Hoa

Về trách nhiệm hình sự thì chủ tàu cá sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội danh Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo điều 214  Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không đảm bảo an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác…..thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tiền từ một năm đến năm năm

Cũng theo luật sư Lực, người lái tàu Thảo Vân 2 sẽ bị xem xem xét xử lý hình sự về tội danh Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo điều 212  Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản cảu người khác thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tiền từ một năm đến năm năm”, luật sư Lực nói.

Liên quan đến vấn đề bồi thường nạn nhân, luật sư Lực cho biết, chủ sở hữu tàu Thảo Vân 2 phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, vật chất cho hành khách gặp nạn.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news