Đó là nhận định của một giáo viên Ngữ văn về đề thi có nội dung trích dẫn "Cô bé bán diêm là số đơn..." dành cho học sinh lớp 12 tại Gia Lai đang gây xôn xao Cộng đồng mạng.
Vừa qua, một đề thi Văn lớp 12 tại một trường THPT tại Gia Lai xuất hiện trích đoạn: "Cô bé bán diêm là số đơn, cô đã chết vì thiếu lửa..." được cho là gây khó hiểu đối với người đọc bởi câu cú lủng củng, rối rắm, ngữ nghĩa cũng "độc, lạ" (Độc giả - PV) . Được biết, đây là trích đoạn trong bài viết "Thắp mình để sang xuân" của tác giả Đoàn Công Lê Huy.
Ý kiến về đề thi "lạ" này, Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh (giảng viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương) nêu nhận định, ông không hiểu số đơn ở đây là thế nào. Vì theo ông được biết, cô bé bán diêm chết không phải vì thiếu lửa mà vì cô ấy có nguyên hộp diêm để tạo ra lửa. Hơn nữa, "Nước Việt hình chữ S, hiện thân của số nhiều" hay nhiều câu trích khác nữa, nghe cũng lạ...
"Nói chung, đoạn văn này đọc lên thấy vô lý, khiên cưỡng, dường như tác giả đang cố gắng "gắn" cái chuyện lửa vào những chuyện đâu đâu cho ra vẻ trừu tượng hóa, văn học hóa và triết lý hóa chăng?" - Thạc sỹ Phạm Phúc Thịnh nêu ý kiến.
Đề thi "Cô bé bán diêm là số đơn..." gây xôn xao cộng đồng mạng. Nguồn ảnh từ Facebook |
Khác với ý kiến của Thạc sỹ Thịnh, một nữ giáo viên Ngữ văn (hiện giảng dạy tại một trường THPT ở thành phố Huế) lại nhận định, nội dung trong đề thi rất đơn giản.
"Đó là truyền lửa, lửa tức là lòng nhiệt huyết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Đoàn Công Lê Huy không trực tiếp gọi tên mà phân tích và giải thích bằng một loạt dẫn chứng và ngôn ngữ mà nhiều người cho là "rối rắm". Vì vậy, lúc học sinh đọc cũng bị "rối" theo. Những học sinh không hiểu được nội dung văn bản thì tất nhiên cũng không thể hiểu nổi việc "nuôi lửa" là gì" - Giáo viên này phân tích.
Trước ý kiến cho rằng, việc dùng từ "lửa" trong đoạn trích trên đã gây khó hiểu, thậm chí, đoạn liên hệ cô bé bán diêm và người Việt Nam còn có phần khập khiễng, nữ giáo viên này chia sẻ, đúng là có "khập khiễng" nhưng chỉ với nhận thức của học sinh trung học. Còn đối với giáo viên, họ sẽ không nghĩ vậy. Vì nếu phân tích sâu xa thì tác giả Đoàn Công Lê Huy viết quá đúng. Giáo viên ai cũng có thể hiểu, cô bé bán diêm đã chết vì thiếu "lửa". Với đề thi này, người ra đề đã "đánh đố học sinh". Tuy nhiên, với 4 câu hỏi ở phần dưới lại phù hợp với chuẩn kiến thức. Câu hỏi không khó, nó chỉ khó ở phần trích dẫn vì tác giả dùng ngôn ngữ cao siêu.
Cũng theo nữ giáo viên ngữ văn, "cô bé bán diêm là số đơn" hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt ngữ nghĩa. Đề thi văn này, nếu đưa cho học sinh giỏi, học sinh chuyên văn thì sẽ thấy... bình thường. Vì các em được tiếp xúc với nhiều tác phẩm, tác giả có ngôn ngữ đa chiều. Nguyên nhân là do không phải tất cả các học sinh đều "giỏi" nên mới xảy ra những tranh cãi quanh đề thi, chứ hoàn toàn không có gì là "dị", là lủng củng.
"Cô là số đơn, là đơn độc. Cô một mình giữa cõi đời. Tôi xin khẳng định lại, văn chương phải nhiều nghĩa, phải góc cạnh thì nó mới "thấm". Chỉ có điều trong trường hợp này, có thể nó chưa phù hợp với trình độc nhận thức của học sinh THPT. Như vậy, đề thi này chỉ khó thôi chứ không "dị" như nhiều người đánh giá. Người ta dùng từ hay thế mà còn chê!" - người này khẳng định.
Đoạn trích trong bài viết "Thắp mình để sang xuân" của tác giả Đoàn Công Lê Huy được đưa vào Đề thi của Sở GD&ĐT Gia Lai: "Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là 2 vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa. Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em không thể “woot!” cũng chẳng “hot”, sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ... Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách - người, nhân cách - Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?" |
Vũ Đậu