Sau đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch" được Hà Nội xem xét, mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT JVE Group tiếp tục có một đề xuất táo bạo hơn.
Đó là đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.
Theo JVE, mô hình "2 trong 1" này sẽ giải quyết triệt để được 2 "vấn nạn" là úng ngập và tắc đường tồn tại nhiều năm qua ở khu vực nội đô Hà Nội.
Dựa trên mô phòng của JVE, hệ thống chống ngập và hầm cao tốc được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản.
Hệ thống đường cao tốc ngầm 2 tầng hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ cửa ngõ cầu Nhật Tân đến đường vành đai 3 trên cao và ngược lại. Đồng thời, hệ thống còn giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên các tuyến đường.
Khi đi vào hoạt động, tuyến đường cao tốc ngầm sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của chặng Đường Vành đai 3 trên cao - Võ Chí Công trong giờ cao điểm từ 45 phút xuống còn khoảng 15 phút cũng như góp phần làm giảm lưu lượng ô tô đi trên trục đường, từ đó giảm ùn tắc giao thông so với hiện nay.
Đặc biệt, JVE Group đề xuất không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua đây.
Còn hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ. Khi xảy ra mưa bão, nước trên sông Tô Lịch sẽ tràn qua máng thu dọc sông, sau đó tiếp tục chảy vào 9 giếng thu khổng lồ được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông Tô Lịch.
Đánh giá về tính khả thi của dự án trên, trên Tiền phong dẫn lời ông Ths-KS N.A.Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 cho biết, đây là một dự án rất tốn kém, vì việc xây dựng đường hầm đòi hỏi công nghệ tiên tiến với mức đầu tư sẽ cao hơn nhiều lần so với đường bộ và đường trên cao.
Theo ông Tuấn, các dự án trọng điểm phải được thực hiện theo quy hoạch, quy hoạch về giao thông Hà Nội đã có các tuyến đường vành đai, đường trên cao...Hơn nữa về mặt chi phí sẽ lớn đi cùng đó phải tính được lợi ích các tuyến đường sẽ thay đổi ra sao, có giảm tải được nhiều ách tắc giao thông không?
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng cho biết sẽ chờ chỉ đạo của thành phố, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn để có thể hiểu rõ thêm về dự án này. Vì đề xuất này sẽ có kinh phí rất lớn, nhiều thủ tục, thời gian có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Ngoài ra, trục đường Láng hiện chưa phải rốn thoát lũ, tình trạng giao thông tại khu vực trên cũng đang ổn định nên mà đầu tư dự án cần vốn đầu tư lớn là chưa thật sự cần thiết.