Tin mới

Phương án biến sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh: Chuyên gia lên tiếng

Thứ sáu, 18/09/2020, 09:57 (GMT+7)

Trước đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản, một số chuyên gia cho rằng không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước.

Ngày 15/9 Công ty JVE vừa gửi công văn báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất 'Giải pháp tổng thể' cải tạo sông Tô Lịch trở thành 'Công viên Lịch sử-Văn hoá- Tâm linh Tô Lịch' bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo đó, Sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông 'chết' với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nên lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn, ban ngành của Thành phố đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Cảnh quan khu vực Triều đại Nhà Lý trên Công viên Tô Lịch.

Chuyên gia Nhật Bản nhận định, để có thể làm 'sống lại' và 'hồi sinh' sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề về thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...

Đề án 'Giải pháp tổng thể' để cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành 'Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch' sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Hệ thống khổng lồ đặt ngầm bên dưới lòng sông Tô Lịch tương tự như hệ thống chống ngập khổng lồ tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đơn vị rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến các vấn đề về dữ liệu lịch sử, văn hoá liên quan; vấn đề xử lý nước thải; vấn đề thoát lũ chống ngập,...

Cảnh quan người dân dạo mát 2 bên bờ sông Tô Lịch tương lai.

Đánh giá về phương án trên, trên Tiền phong dẫn lời ông Phạm Văn Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, nói rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt 2 bên bờ sông. Hiện nay, việc này đang được thành phố Hà Nội triển khai.

Các chuyên gia cho rằng, không được kè đáy sông, bởi nếu thế sẽ làm dòng chảy nhanh hơn, sông sẽ giống như một cống, mương thoát nước; ngăn cản việc hình thành nước ngầm, gây nguy cơ lún, sụt trong tương lai…

Nước thải sau khi được thu gom sẽ được xử lý, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Theo ông Khánh, trước đây, khi còn làm việc tại Sở TN-MT, ông đã có đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc, có bể lắng để nước trong rồi bổ cập vào Tô Lịch tạo dòng chảy, đủ điều kiện xử lý ô nhiễm dòng sông.

Cũng ông Khánh cho biết, Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng này, tuy nhiên, nước sông Hồng sẽ vào Hồ Tây rồi mới chảy sang sông Tô Lịch. Về tổng thể, theo ông Khánh, muốn hồi sinh sông Tô Lịch, việc cần làm là thu gom nước thải, xử lý ô nhiễm lòng sông và làm cho sông chảy.

Nguyên Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. Ông Khánh cũng cho rằng, nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, nên nghiên cứu việc dùng bằng ngân sách, vì nguồn vốn dù được vay ưu đãi hay tài trợ, sau này đều phải trả nợ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news