Tin mới

Dịch sởi chưa qua, chân tay miệng, thủy đậu đã thi nhau bùng phát

Thứ ba, 29/04/2014, 09:24 (GMT+7)


(Tinmoi.vn) Dịch sởi chưa có dấu hiệu lắng xuống, thì liên tiếp có những ca chân tay miệng và thủy đậu xuất hiện và có nguy cơ thành dịch. Nguy cơ dịch chồng dịch khá lớn trong khi đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 đang đến gần.


Vẫn có thêm người tử vong vì dịch sởi 

Bộ Y tế cho biết, ngày 28/4, cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi. Trong ngày ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi ở Bệnh viện Nhi T.Ư, nâng số trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi lên 125 ca. 

Bộ Y tế nhận định, hiện nay, phần lớn số bệnh nhân nhập viện là những trường hợp mắc bệnh nặng có liên quan đến sởi. Thời gian tới, có thể vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp tử vong liên quan đến sởi.

Cùng ngày, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn đã có buổi thị sát về tình hình dịch sởi tại hai Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện quận Bình Tân, TP HCM. Thực tế khảo sát ghi nhận bệnh nhân mắc sởi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn chưa giảm, khoa Nhiễm của bệnh viện đang tập trung điều trị chủ yếu cho bệnh nhân sởi, số bệnh nhân đông nên mỗi giường phải nằm ghép 2 - 3 trẻ.

Tuy TP HCM chưa có bệnh nhân tử vong vì sởi, tỷ lệ tiêm vét đạt chỉ tiêu nhưng số ca mắc trong tuần qua lại gia tăng với 140 ca mắc mới (con số tuần trước là hơn 120 ca). Nguyên nhân được cho là một số trẻ đã mang mầm bệnh trước khi tiêm chủng nên vẫn mắc bệnh. Ngoài ra việc dân số cơ học của thành phố liên tục biến động cũng là yếu tố khiến dịch diễn biến phức tạp.

Chân tay miệng, thủy đậu có nguy cơ thành dịch

Ngày 28/4, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Cùng với dịch sởi, dịch tay chân miệng (TCM), thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch”.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 17.400 ca mắc TCM tại 62 tỉnh, thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, có 1 số tỉnh có tỷ lệ mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 như TPHCM (2.600 ca, tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.100 ca, tăng 34,4%), Cà Mau (938 ca, tăng 15,5%), Kon Tum (112 ca, tăng 69,7%).

Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh thủy đậu cũng đang gia tăng tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương… PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, bệnh nhân bị thủy đậu cũng xuất hiện rải rác. Hiện thời tiết với độ ẩm vẫn còn khá cao, đây là điều kiện cho virus phát triển mạnh.

Trước thông tin nhiều người dân lo lắng dịch sởi, thủy đậu nên cho con về quê tránh dịch, TS Huy cho rằng không cần thiết. TS Huy khuyến cáo: “Bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng cách đeo khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh tốt, dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đến nơi đông người, lúc về nhà cần tắm gội ngay”. Quan trọng nhất là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu vì nhiễm trùng da là biến chứng thường gặp nhất, để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.

Khuyến cáo của Bộ Y tế để ngăn chặn dịch bùng phát

1. Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, khó thở, phát ban không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người.

2. Không nên đưa trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đến những nơi tập trung đông người như khu vui chơi, giải trí để tránh bị nhiễm sởi; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và thân thể cho trẻ, rửa tay với xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ nhà ở, nhà vệ sinh sạch sẽ.

3. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi theo ở những nơi có nguy cơ cao đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news