Chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ ngày phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTCLP) đầu tiên, đến nay dịch bệnh này đã lây lan ra 29 tỉnh thành, số lợn tiêu hủy lên tới trên 1,2 triệu con.
Sáng ngày 13/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự hội nghị, theo tin tức trên VietNamNet.
Dịch tả lợn châu Phi được đánh giá là gây thiệt hại nhiều mặt, đe dọa cả một ngành hàng lớn
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã (khoảng 40% số xã) của 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước.
Việt Nam hiện là nước có tổng đàn lợn đứng thứ 7 thế giới, sản lượng thịt lợn thứ 6 thế giới và ngành chăn nuôi đóng góp 5% GDP. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang làm ảnh hưởng tới giá cả và lượng tiêu thụ trong nước, xuất khẩu của mặt hàng này.
Theo số liệu của Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 2.300 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước.
Trong đó, gần đây, Đồng Nai là tỉnh cung cấp trên 40% sản lượng thịt lợn cho TP.HCM cũng đã xuất hiện ổ bệnh.
Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau lại phát sinh lợn bệnh, gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó, ở các nước xung quanh, bệnh dịch đã bùng phát trở lại tại Hồng Kông.
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan trên diện rộng của dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sáng nay đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát. Đặc biệt, nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ cân nhắc, giao cho cơ quan chuyên ngành nghiên cứu đề xuất một Chính sách phù hợp nhất để động viên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từng tỉnh cần xây dựng phương án đối phó dịch theo tình hình của địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong tình hình hiện nay, để đảm bảo bình ổn thị trường, cần đảm bảo đưa thịt lợn sạch được tiêu thụ, tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn; cần huy động hệ thống thương mại lớn vào cuộc tiêu thụ thịt heo (cách làm của Hưng Yên, mời các siêu thị, bếp ăn tập thể ký kết tiêu thụ thịt lợn cho nông dân là một cách làm hay).
"Bộ Công Thương cũng hoàn toàn đồng ý với phương án hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ, cấp đông thịt lợn sạch và sẵn sàng giúp doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống kho lạnh còn hạn chế" - đại diện Bộ Công Thương nói.