Theo PLO, VTC News, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra vào chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã trả lời báo chí về việc một số địa phương đề xuất tăng học phí ở thời điểm hiện tại.
Theo ông Sơn, khung học phí đối với giáo dục phổ thông từ năm học 2021 - 2022 trở đi đã đưa cụ thể trong Nghị định 81. Tuy nhiên, thời điểm ban hành vào năm 2021, dịch phức tạp nên Bộ GD&ĐT đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021 – 2022 như năm 2020-2021.
Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân…để quyết định khung học phí hoặc mức học áp dụng tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông; mức này quy định không quá 7,5%/năm.
Theo lộ trình học phí, dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho bậc đại học, còn với giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2030 tính đủ chi phí.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nghị định quy định về khung học phí, mức trần, mức sàn, còn các địa phương quyết định mức học phí hoặc khung học phí ở trong khung đó.
Năm nay, đời sống đã bắt đầu trở lại bình thường tuy nhiên việc phục hồi KT-XH vẫn cần thời gian. Ở nhiều địa phương, nhiều gia đình vẫn còn khó khăn. Một số địa phương công bố mức học phí, còn ở các trường đại học, mức độ tự chủ tài chính khác nhau.
Ngày 23/5 vừa qua, Bộ GD&ĐT có công gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân.