Với phương pháp đặc biệt đưa thơ, nhạc vào bài giảng, một số thầy cô giáo đã thu hút được sự chú ý của học sinh vào tiết dạy của mình.
Thầy giáo mượn thơ để dạy toán
Thời gian gần đây, Facebook của nhóm “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học” xôn xao và thích thú với bài thơ về tính chu vi, diện tích, thể tích các hình ở bậc tiểu học.
Bài thơ đã liệt kê ra cách tính chu vi hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, hình thoi, tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình bình hành, hình thang, hình thoi, hình tròn cũng như diện tích xung quanh, diện tích toàn phần của hình lập phương, hình hộp chữ nhật.
Đây là một trong những phương pháp dạy toán mà thầy Nguyễn Thọ Tuyến, giáo viên Trường tiểu học Phú Nhuận (Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã áp dụng trong thời gian qua.
Thầy giáo mượn thơ để dạy toán Nguyễn Thọ Tuyến
Chia sẻ trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tuyến cho biết, tất cả cũng chỉ muốn giúp học sinh của mình dễ hiểu bài, nhớ lâu và thoải mái đầu óc trong lúc học để có kết quả tốt nhất.
“Để có được tư liệu giúp cho học sinh học được tốt hơn trước hết đó là cái tâm của người thầy. Và phải có một chút năng khiếu về phần ngôn ngữ, để viết ra cho tương đối phù hợp và giúp các em nhớ được qua những vần điệu đó.
Tôi cũng đã từng đứng lớp rất nhiều năm, nhiều khi cũng phải tạo ra những bài thơ cho các em nghe và cũng thấy hiệu quả hơn so với cách làm thông thường”, thầy Tuyến chia sẻ.
Cũng theo thầy Tuyến, trong bài thơ về công thức toán, có một số câu anh phải đánh dấu ý muốn nhấn mạnh để nhắc các em. Bởi giữa các công thức hình học khi chuyển thành thơ rất khó, khó vì có được vần điệu để các em nhận thức được.
Cô giáo tiếng Anh đọc ráp giảng bài
Khoảng đầu tháng 11/2014, đoạn clip hơn 2 phút ghi lại cảnh một lớp học trong giờ học tiếng Anh, trong đó có phần đọc ráp bảng động từ bất quy tắc của cô giáo khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Hành động hài hước của cô giáo này được thể hiện sau khi cô đã giảng bằng cách thông dụng nhưng một vài học sinh chưa hiểu rõ cách phát âm.
Clip trên được ghi tại một lớp học tại CĐ FPT Polytechnic Hà Nội. Nhân vật chính trong clip là cô giáo tiếng Anh Nguyễn Phương Linh (sinh năm 1988).
Chia sẻ trên Zing.vn, cô giáo Phương Linh cho rằng, những hành động ấn tượng và mang tính hài hước sẽ được lưu trữ vào bộ nhớ lâu hơn. Vì vậy cô cũng như nhiều giảng viên khác trong trường đều cố gắng sáng tạo những hình thức truyền đạt mới, dễ hiểu. Các sinh viên trong lớp rất thích thú với cách dạy mới này, chính các em là động lực truyền cảm hứng cho cô.
"Chương trình tiếng Anh ở bất kỳ cấp độ dễ hay khó cũng có thể gây áp lực với sinh viên, đặc biệt có nhiều em bị mặc cảm tự ti. Mình nghĩ việc dạy học bằng cách đọc rap khiến cho không khí lớp vui nhộn, học sinh giảm bớt áp lực, đồng thời giúp các em ghi nhớ bài học lâu hơn”, Phương Linh lý giải.
Thầy giáo giảng Vật lý bằng thơ
Sở hữu một gương mặt điển trai cùng óc hài hước và khả năng làm thơ “Vật lý”, thầy Dương Văn Cẩn đã khiến hàng nghìn học trò “phát cuồng”.
Thầy giáo Dương Văn Cẩn dạy luyện thi đại học môn Vật Lý từ lâu đã nổi tiếng trong giới học sinh Hà Nội. Vì thế, những học sinh yêu mến thầy đã lập hẳn một Fanpage: “ Hội những người phát cuồng vì thầy Dương Văn Cẩn”.
Thầy giáo giảng Vật lý bằng thơ Dương Văn Cẩn
Những học sinh yêu mến thầy bởi những bài giảng Vật lý bằng thơ hết sức đặc biệt. Dù kiến thức Vật lý có khô khan đến mức độ nào, thầy Cẩn cũng biết cách truyền đạt khiến các học trò cứ “chết mê chết mệt”.
Thậm chí, các học trò còn thống nhất cao độ khi cùng nhau đi in cúp để ghi nhận sự xuất sắc của thầy trong lòng các thế hệ học trò. “Thiên hạ đệ nhất dạy Lý” cũng là lời tán tụng của học trò dành cho người thầy của mình.
“Thầy Dương Văn Cẩn – dạy nhiệt tình, sôi nổi, với phong cách rất riêng làm tiết dạy luôn sinh động cuốn hút mà thoải mái dễ hiểu đó là điểm nổi bật ở thầy. "Thiên hạ đệ nhất" dạy Lý” - Quản trị của Fanpage hâm mộ thầy Cẩn chia sẻ.
Thầy giáo đọc Rap dạy Vật lý cho học sinh
Năm 2010, Cộng đồng mạng đã rất ấn tượng với bản rap "Teacher or Rapper" của thầy "Đậu phộng" - giáo viên trường THPT Nguyễn Du, Q10 Thành phố Hồ Chí Minh.
Lời bài hát được xây dựng từ chính những nội dung trong chương trình học mà bình thường, teen rất ngại đọc, rất ngại nghe vì khô cứng. Trong bản Rap đặc biệt này, những suy nghĩ cá nhân của một người thầy cũng được đề cập tới.
Việc chọn lối Rap Gangs (mặc dù thầy Rap cũng chưa được mạnh cho lắm) được rất nhiều bạn trẻ yêu thích cho thấy thầy "Đậu Phộng" cũng rất hiểu tâm lý của giới trẻ hiện nay.
Nhiều học sinh nghe xong bài Rap rất ngưỡng mộ thầy Bùi Như Lạc và tiếc hùi hùi vì chưa được thầy dạy bữa nào. Đa số các em ấn tượng với phong cách xì tin của thầy giáo và liên tục đưa ra những lời bình luận động viên thầy "tiếp tục phát huy phong độ". Tuy nhiên, cũng có một vài người tỏ ý chê rằng "ngôn ngữ trong bài rap đôi chỗ hơi thô”, không phù hợp với học đường.
H.Minh (tổng hợp)