Sốt xuất huyết, sốt rét, chân tay miệng, sởi… đều là những dịch bệnh năm 2017 tuy không bùng phát đến mức báo động nhưng việc diễn ra âm thầm, phức tạp, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong.
Vào năm 2016, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng chóng mặt của dịch bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết, đồng thời ghi nhận sự gia tăng của một số bệnh tiêm chủng như bệnh bạch hầu và bệnh ho gà. Tính đến 21/12/2016, Việt Nam đã ghi nhận 152 trường hợp nhiễm virus Zika; 56/23.682 muỗi Aedes tại Nha Trang có virus Zika. Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam trong năm 2016 cũng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, ở Hà Nội, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Vào năm 2016, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng chóng mặt của dịch bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, đến năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng như nhiều dịch bệnh khác lại có diễn biến phức tạp, khó lường hơn cả. Cụ thể là ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do mắc phải dịch bệnh, ngay trên địa bàn Hà Nội. Chúng ta cùng điểm qua những dịch bệnh năm 2017 khiến nhiều người một phen hoảng sợ ngay dưới đây:
Dịch bệnh sốt xuất huyết
7 tháng đầu năm 2017, số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước là 80.555 ca, cao gấp 3 lần cả năm 2014 và xấp xỉ bằng số người mắc sốt xuất huyết toàn bộ năm 2016. Tính đến tháng 8/ 2017, số ca tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết đã lên đến 24 người, trong đó số người tử vong nhiều nhất tập trung ở Hà Nội. Riêng ở TP.HCM thì có 16.534 ca nhập viện, 4 ca tử vong. Con số này đã rung hồi chuông cảnh tỉnh tất cả mọi người, đặc biệt những người sinh sống và làm việc tại thành phố.
Theo ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng), dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân như miền Bắc năm nay ít ngày rét, trong khi miền Nam thì mùa mưa đến sớm. Đô thị hóa và giao lưu đi lại cũng là điều kiện thuận lợi cho sốt xuất huyết lan truyền. Về môi trường, trước đây trong các nhà chỉ có 5-10 dụng cụ chứa nước, nay có nhà có đến 30 loại dụng cụ chứa nước. Tại các công trình xây dựng thì các chỗ gồ ghề trên sàn, các bể chứa nước, lán trại... đều có thể phát sinh muỗi và lăng quăng…
7 tháng đầu năm 2017, số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên cả nước là 80.555 ca, cao gấp 3 lần cả năm 2014.
Theo ông Trần Đắc Phu, dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng chóng mặt đòi hỏi phải làm quyết liệt hơn. Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị Hà Nội phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh. Bà gợi ý có thể mượn máy phun từ Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Bệnh sốt rét
Diễn tiến của dịch bệnh sốt rét vào năm 2017 được đánh giá là có nhiều diễn biến phức tạp tại khu vực TP.HCM cũng như địa bàn miền Nam nói chung. Thông tin từ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết số bệnh nhân mắc sốt rét ở Việt Nam vẫn ở mức cao, hàng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét. Trong khi đó, vào năm 2016, dịch bệnh sốt rét ghi nhận có 4.000 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong.
Theo ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), nguyên nhân dịch bệnh sốt rét hoành hành là do Việt Nam là một nước nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu thuận lợi cho nhiều loại côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Muỗi truyền bệnh sốt rét cũng như sốt xuất huyết xuất hiện trên toàn bộ các khu vực tỉnh, thành phố.
Diễn tiến của dịch bệnh sốt rét vào năm 2017 được đánh giá là có nhiều diễn biến phức tạp tại khu vực TP.HCM cũng như địa bàn miền Nam nói chung.
Điều đáng bàn ở đây là dịch bệnh sốt rét đang có xu hướng kháng thuốc mạnh. Theo ông Trần Đắc Phu, việc phòng chống bệnh sốt rét đang gặp nhiều khó khăn do những biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, côn trùng gây bệnh xuất hiện nhiều loài, đa dạng, thay đổi tập tính trú đậu ngoài nhà, trong nhà; muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết kháng hóa chất diệt tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh... Sốt rét và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc xuất hiện ngày càng nhiều tại nước ta.
Bộ Y tế khuyến cáo hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét, chính vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất như ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh, diệt muỗi bằng hóa chất, mặc quần dài, áo dài tay, bôi thuốc đuổi muỗi lên những vùng da hở…
Bệnh tay chân miệng
Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến tháng 8 năm 2017, trên cả nước ghi nhận có hơn 43.162 người mắc tay chân miệng. Tình hình dịch bệnh chân tay miệng ngay lập tức khiến Bộ y tế phải tiến hành họp khẩn. Trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện giảm 1,9%. Riêng vào ngày 25/9 đến 1/10, TP Hà Nội ghi nhận có 80 trường hợp mắc tay chân miệng, tình từ đầu năm đến 1/10/2017 đã có đến 450 trường hợp.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.
Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến tháng 8 năm 2017, trên cả nước ghi nhận có hơn 43.162 người mắc tay chân miệng.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài. Sở giáo dục-đào tạo cần chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo, nhà trẻ…
Bệnh sởi
Khi dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm thì vào những tháng cuối năm 2017, dịch bệnh sởi lại bắt đầu lên ngôi. Tại hội thảo về phòng, chống bệnh sởi chiều 15.11, TS Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 63 ca mắc dương tính virus sởi, 1 ca tử vong. Vào những tháng đầu năm 2017, Hà Nội chỉ ghi nhận 1- 2 ca/tháng thì từ tháng 9.2017 đến nay, trung bình mỗi tháng ghi nhận trên 10 ca mắc sởi. Năm nay, dịch sởi đang có diễn biến phức tạp, phân bố dịch sởi năm 2017 tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành.
Khi dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm thì vào những tháng cuối năm 2017, dịch bệnh sởi lại bắt đầu lên ngôi.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Trước thông tin dịch sởi bùng phát, Bộ Y tế đã triển khai các đợt tiêm vét vắc-xin sởi để đảm bảo trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ, phòng ngừa dịch bệnh.
Theo khuyến cáo chung của Bộ Y tế, dịch bệnh năm 2017 có diễn biến âm thầm và vô cùng phức tạp, người mắc bệnh ngay khi chưa vào mùa... Do đó mọi người cần phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân. Ngay khi thấy có những dấu hiệu mắc bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan nguy hiểm.
Theo Helino/Trí Thức Trẻ