Theo tin từ Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, ngay sau khi cơn bão số 2 đi qua, lực lượng cứu nạn đã trở lại hiện trường tiếp tục tìm kiếm 9 ngư dân mất tích trong vụ tàu cá tỉnh Nghệ An số hiệu NA 95899 TS bị đâm chìm ở gần đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).
Bộ GTVT đã liên tục có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng Bộ Quốc phòng hỗ trợ các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng thiết bị chuyên dùng can thiệp khẩn cấp điều khiển từ xa. Ảnh: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, hiện tại, lực lượng tìm kiếm tại hiện trường tàu cá gặp nạn đang gồm các tàu: SAR 411, Pacific 01 thực hiện tìm kiếm khu vực phía Nam đảo Bạch Long Vỹ; Tàu SAR 273 tìm kiếm tại khu vực phía Tây Bạch Long Vỹ; Tàu HQ 926, HT 90133 TS cùng đội thợ lặn vẫn tích cực nghiên cứu, triển khai công tác lặn tìm kiếm khi thời tiết tốt lên.
Thợ lặn đã lặn sâu tới 50m nhưng vẫn không thể tiếp cận được vị trí tàu gặp nạn, do dòng chảy dưới biển quá lớn và vị trí tàu cá bị chìm sâu khoảng 60m, không đủ điều kiện an toàn. Ảnh: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam
Ngày 6/7, các thợ lặn từ Hải Phòng, Hà Tĩnh được thuê đều đã lặn xuống độ sâu 50m nhưng chưa thể tiếp cận tàu cá vì theo số liệu đo đạc được, vị trí tàu cá bị chìm ở độ sâu trên 60m.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT, Cục Cứu hộ cứu nạn đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng điều tàu Tân Cảng 63 từ TP.HCM ra tham gia tìm kiếm.
Tàu Tân Cảng 63 được trang bị robot lặn của lực lượng hải quân từ Vũng Tàu, có thể lặn sâu hàng trăm mét, sẽ được sử dụng để khảo sát, ghi lại hình ảnh dưới hiện trường đáy biển nơi tàu cá đang bị chìm. Dự kiến ngày 9/7, tàu Tân Cảng 63 sẽ ra tới hiện trường.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã gửi văn bản đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tiếp tục có công hàm đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc tạo thuận lợi, phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam để tìm kiếm.