Vụ việc Công ty HUDS huy động người cưỡng chế, thu hồi tài sản của khách thuê khi những tranh chấp giữa hai bên còn chưa được cơ quan thẩm quyền giải quyết đã làm dấy lên nhiều băn khoăn trong dư luận.
Vừa qua, báo Dân trí và một số trang điện tử phản ánh vụ việc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) - đơn vị cho thuê ki-ốt tại địa chỉ Siêu thị ECO Mart, Số 09 CT2 - ĐN2 phường Định Công (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) cưỡng chế, thu giữ tài sản trị giá nhiều tỷ đồng của bên thuê là anh Đồng Văn Vinh.
Theo trình bày của anh Vinh được báo chí ghi nhận, anh ký Hợp đồng thuê ki-ốt số: 641/2013/HĐTKÔ ngày 10/12/2013 với bên Công ty HUDS. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của Hợp đồng, hai bên có xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, khi chưa được Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, ban hành Bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật thì vào ngày 26/8, phía Công ty HUDS đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi mặt bằng ki-ốt mà anh đang thuê.
"Tài sản bị HUDS thu hồi khoảng 3000 mã hàng với hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm có giá trị hàng hóa hơn 3 tỷ đồng; cơ sở vật chất, giá kệ, tủ hàng, tủ lạnh, tủ đông ước tính 600 triệu đồng; tiền mặt là Doanh thu bán hàng trong tháng 8 khoảng 1 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản ước tính khoảng gần 5 tỷ đồng. Toàn bộ tài sản trên đều bị nhóm người tự xưng là "người của HUDS" tự động mang ra ngoài, đưa lên các xe ô tô tải rồi mang đi" - anh Vinh cho biết.
Công ty HUDS cưỡng chế, tịch thu tài sản của anh Vinh khi hai bên vẫn còn đang tranh chấp và chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Ảnh: Dân trí |
Thông tin về vụ việc, ông Thiều Hữu Hảo - Phó giám đốc Công ty HUDS cho biết, anh Vinh ký hợp đồng thuê ki-ốt với Công ty HUDS từ ngày 10/11/2013. Thời hạn thuê đến ngày 31/12/2014 nhưng anh Vinh chưa hề đóng tiền thuê hàng tháng cho HUDS.
"Công ty đã gửi nhiều thông báo tới khách hàng, yêu cầu khách hàng thanh toán tiền thuê ki-ốt, trả lại mặt bằng kinh doanh tại các ki-ốt. Thông báo lần cuối gửi đến anh Vinh vào ngày 15/7/2016, yêu cầu anh Vinh chậm nhất đến 8h ngày 31/7/2016 phải bàn giao lại mặt bằng ki ốt số 09 CT2 - ĐN2 Khu đô thị Định Công mà anh thuê của Công ty theo hợp đồng. Đồng thời, anh Vinh phải thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ Công ty. Trước khi thu hồi ki-ốt, HUDS đã báo cáo với chính quyền các cấp và Cơ quan Công an đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ công ty truy đòi công nợ ki-ốt và thu hồi mặt bằng ki-ốt của Công ty" - ông Hảo cho biết.
Cũng theo ông Hảo, về số tài sản của anh Vinh, Công ty đã niêm phong, di chuyển đến kho hàng. Hiện số tiền thuê ki-ốt anh Vinh còn nợ khoảng hơn 700 triệu đồng, công ty HUDS sẽ khởi kiện yêu cầu anh Vinh trả nợ.
Trao đổi với phóng viên về tính pháp lý trong vụ việc trên, luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư tp. Hà Nội) nhận định, theo thông tin mà báo chí phản ánh thì trong vụ việc thuê nhà làm nơi kinh doanh bán hàng giữa Công ty HUDS và ông Đồng Văn Vinh có vấn đề còn đang tranh chấp. Như vậy, khi hợp đồng có tranh chấp thì phải giải quyết bằng thủ tục tố tụng tại tòa án có thẩm, khi và chỉ khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì người có quyền được Thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án.
"Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, doanh nghiệp không có quyền chiếm đoạt tài sản của người dân hay của bất kỳ tổ chức nào. Như vậy, việc Công ty HUDS thành lập "Ban chỉ đạo" cưỡng chế tài sản của anh Đồng Văn Vinh là trái với quy định của pháp luật" - Luật sư Lê Văn Thiệp nêu quan điểm.
Cũng theo phân tích của luật sư Thiệp, việc dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản giá trị lên đến gần 5 tỷ đồng bị coi là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và cần phải bị điều tra, xử lý. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng quận Hoàng Mai phải khởi tố vụ án, khởi tố Bị can để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Vũ Đậu